Thủ đoạn chiếm đoạt tiền tỷ của cựu nhân viên ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Nhờ thời gian làm việc tại ngân hàng nên Thọ nắm rõ quy trình, thủ tục mở thẻ đối với khách hàng cá nhân và đã lợi dụng việc này để chiếm đoạt tiền tỷ.

Ngày 5-7, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa và quyết định tuyên phạt Bùi Đức Thọ (SN 1992, trú ở xã Cuối Hạ, Kim Bôi, Hòa Bình) mức án 12 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Quá trình xét xử cho thấy, ngày 28-7-2017, Bùi Đức Thọ vào làm việc tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) với vị trí nhân viên cộng tác Kênh bán hàng. Đến ngày 10-8-2017, bị cáo nghỉ việc.

Nhờ thời gian làm việc tại ngân hàng nên bị cáo hiểu rõ quy trình, thủ tục mở thẻ đối với khách hàng cá nhân. Do cần tiều chi tiêu, bị cáo đã lợi dụng quy trình để lập khống hồ sơ, mở thẻ rút tiền chiếm đoạt.

Bùi Đức Thọ bị đưa ra xét xử tại phiên tòa.

Bùi Đức Thọ bị đưa ra xét xử tại phiên tòa.

Cụ thể, bị cáo đến khu vực dân cư và các Trạm y tế xã, trường tiểu học thuộc huyện Kim Bôi, Hòa Bình tự giới thiệu là nhân viên ngân hàng, thực hiện chương trình ưu đãi mở thẻ tín dụng. Qua đó, bị cáo thu thập thông tin cá nhân, sổ hộ khẩu, CMND của người dân.

Có thông tin của những người này, bị cáo nhờ Bảng xác nhận đơn vị công tác, nhập lương mang tên những người này rồi mang đến các trường tiểu học, Trạm y tế xã gặp lãnh đạo các đơn vị xin ký xác nhận.

Tin tưởng Thọ làm thủ tục, lập hồ sơ mở thẻ tín dụng cho nhân viên của mình, cũng như tạo điều kiện cho các cá nhân khác được vay vốn làm ăn, lãnh đạo các trạm y tế, trường học đã ký, đóng dấu vào các Bảng xác nhận lương do bị cáo mang đến.

Từ đây, bị cáo hoàn thiện hồ mơ mở thẻ rồi chuyển cho các cộng tác viên kênh bán hàng mà bị cáo quen biết khi làm trong ngân hàng. Do tin tưởng Thọ, cộng với đang cần chỉ tiêu công tác nên những người này chỉ đối chiếu thông tin; không tiến hành kiểm tra, xác minh nơi công tác.

Họ đã chuyển tiếp các hồ sơ lên hệ thống để trình cấp trên thẩm định, phê duyệt, phát hành thẻ. Khi phát hành thẻ, ngân hàng thông báo địa điểm giao thẻ vào số điện thoại đăng ký trong hồ sơ. Các số điện thoại này do bị cáo chủ động đăng ký, ghi trong hồ sơ.

Sau khi nhận được thông tin, bị cáo đến địa điểm bưu điện nhận thẻ, kích hoạt thẻ rồi rút tiền chi tiêu. Sau khi phát hiện hành vi phạm tội của bị cáo, VPBank đã gửi đơn tố cáo đến CQĐT Công an TP Hà Nội đề nghị điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Quá đình điều tra xác định, từ cuối năm 2017-2019, bị cáo đã lập khống 34 hồ sơ mở thẻ tín dụng rồi rút ra tổng cộng hơn 1,9 tỉ đồng. Để tránh bị ngân hàng phát hiện, bị cáo sử dụng tài khoản của bản thân để trả lãi cho một số thẻ.

Tổng cộng, bị cáo thực hiện 15 giao dịch, trả 26,6 triệu đồng cho ngân hàng. CQĐT xác định bị cáo đã chiếm đoạt hơn 1,8 tỉ đồng. Trong 34 cá nhân đứng tên chủ thẻ, phần lớn đều không phải là cán bộ công tác tại Trạm y tế hoặc trường học, có 7 người không xác định được nhân thân, 1 người đã mất từ trước.

Những cá nhân đứng tên chủ thẻ cho biết họ đã cung cấp bản photo hoặc cho Thọ chụp lại CMND, sổ hộ khẩu để làm thẻ. Nhưng sau một thời gian, bị cáo thông báo không mở được thẻ vì không đủ điều kiện.

Họ không biết việc làm khống hồ sơ của bị cáo. Khi các khoản tiền rút ra đến hạn trả nợ, bị cáo tìm đến Nguyễn Thị Minh Anh (ở Hà Nội) làm dịch vụ đáo nợ thẻ tín dụng với chi phí là 1,7% số tiền chuyển vào thẻ.

Sau đó, chị Minh Anh đã sử dụng tài khoản của bản thân và chồng thực hiện 59 giao dịch chuyển tiền vào các thẻ rồi lại rút ra, tổng số tiền giao dịch là 3,2 tỉ đồng. Theo thỏa thuận, Thọ phải trả cho chị Minh Anh tiền dịch vụ là 55 triệu đồng, nhưng bị cáo mới trả được hơn 2,7 triệu đồng.

Do đó, chị Minh Anh trả lại 34 thẻ cho bị cáo. Nhận lại số thẻ trên, bị cáo vứt hết vào thùng rác trên đường đi và không trả tiền gốc và lãi cho ngân hàng.

Xét thấy chị Minh Anh chỉ thu phí dịch vụ theo thỏa thuận, không biết việc làm phạm pháp của bị cáo, CQĐT không đề nghị xử lý hình sự. Đối với các trạm trưởng y tế, hiệu trưởng trường tiểu học đã ký xác nhận bảng lương, CQĐT xét thấy họ không biết động cơ, mục đích, thủ đoạn làm giả của bị cáo.

Vì vậy, dù họ đã ký, đóng dấu xác nhận bảng lương mà không kiểm tra thông tin, CQĐT thấy chưa đến mức xử lý hình sự nên có văn bản kiến nghị Trung tâm y tế, Phòng GD&ĐT huyện Kim Bôi xử lý hành chính.