Thủ đoạn buôn bán ma túy mới của tội phạm gốc Phi

(ANTĐ) - Thiếu tướng Vũ Hùng Vương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm cho biết, thời gian qua diễn ra tình trạng các đối tượng người gốc Phi hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy từ Việt Nam ra nước ngoài diễn ra phức tạp, nhất là trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Thủ đoạn buôn bán ma túy mới của tội phạm gốc Phi

(ANTĐ) - Thiếu tướng Vũ Hùng Vương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm cho biết, thời gian qua diễn ra tình trạng các đối tượng người gốc Phi hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy từ Việt Nam ra nước ngoài diễn ra phức tạp, nhất là trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Chúng thường lợi dụng vợ hoặc “bồ” người Việt, thậm chí thuê phụ nữ Việt Nam thông thạo tiếng Anh móc nối, tổ chức cho các đối tượng người Việt Nam sang các nước như Ấn Độ, Pakistan… nhận ma túy của các đối tượng người gốc Phi để chuyển về Việt Nam, sau đó sẽ giao cho các đối tượng người Việt Nam khác.

Thời gian gần đây, do lực lượng Cảnh sát Việt Nam đã triển khai quyết liệt các kế hoạch, biện pháp công tác, giám sát chặt chẽ các sân bay quốc tế nên bọn tội phạm đã chuyển hướng hoạt động sang đi bằng đường bộ, đường biển, chuyển phát nhanh hoặc thông qua một nước thứ ba để vận chuyển, mua bán ma túy. Thủ đoạn cất giấu ma túy cũng rất tinh vi, khó phát hiện. Chúng thường cất giấu ma túy trong đế giày, dép, các loại hàng hóa như:

Lon nước ngọt, hộp sữa, cúc áo… Nhiều đối tượng phạm tội đã bị Công an Việt Nam xử lý nghiêm minh trước pháp luật hoặc trục xuất về nước nhưng sau khi mãn hạn tù hoặc bị trục xuất, một số đối tượng đã tìm cách quay lại Việt Nam qua đường tiểu ngạch để tiếp tục hoạt động phạm tội. Thiếu tướng Vũ Hùng Vương cảnh báo hiện nay, số lượng các đối tượng này đang có xu hướng tràn sang tạm trú tại các địa bàn khu vực miền Trung, miền Bắc và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bất ổn về ANTT, do vậy các cơ quan chức năng và người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác.

Bộ Công Thương vừa cảnh báo các doanh nghiệp trong nước cần thận trọng khi hợp tác đối tác châu Phi, đặc biệt là doanh nghiệp một số nước: Nigeria, Ghana, Benin, Bờ Biển Ngà, Togo, Senegal và Burkina Faso để tránh bị lừa đảo thương mại.

Theo Bộ Công Thương, thời gian qua, có một số doanh nghiệp Việt Nam nhận được đề nghị mua hàng, hợp tác kinh doanh từ đối tác châu Phi với yêu cầu doanh nghiệp trả trước một khoản phí nhất định như: phí để xin giấy chứng nhận nhập khẩu hàng hóa, phí giấy phép nhập khẩu hoặc phí đăng ký nhập khẩu vào nước sở tại...

Tuy nhiên, hầu hết các hình thức này đều là lừa đảo. Bộ Công Thương cho rằng, các doanh nghiệp cần xác minh rõ đối tác và các yêu cầu của họ, đề nghị đối tác cung cấp địa chỉ đầy đủ, giấy phép đăng ký kinh doanh, thẻ xuất nhập khẩu và địa chỉ ngân hàng nơi doanh nghiệp đó mở tài khoản và gửi cho Thương vụ Việt Nam tại nước sở tại.

N.H.Đ - H.L