Nuôi động vật hoang dã tại gia:

Thú chơi nguy hiểm, khó kiểm soát

ANTĐ - Sau vụ việc người dân giữa lòng Thủ đô bắt được cá sấu xổng chuồng, người ta mới giật mình thấy rằng, nuôi những loài động vật hoang dã (ĐVHD) nguy hiểm hiện đang phổ biến, nhưng các cơ quan chức năng lại rất khó khăn trong kiểm soát.

Con cá sấu ở hồ câu của ông Dương Văn Viễn ở Hoàng Mai, Hà Nội

bị xổng chuồng, người dân bắt được ngày 11-10. Ảnh: VNE


Quy định nuôi ngặt nghèo…

Sự việc cá sấu trong hồ câu của ông Dương Văn Viễn (Hoàng Mai, Hà Nội) xổng ra ngoài và một người dân đi câu bắt được ở mương nước mới khiến nhiều người giật mình rằng, việc nuôi, nhốt một số loài như cá sấu, rắn hổ mang, bọ cạp… đang rất phổ biến. Thậm chí, ở một số trang trại, hồ câu, vườn sinh thái,  người ta còn nuôi cá sấu, rắn độc với mục đích thương mại, cho du khách tham quan, thưởng lãm. Điều đáng nói, hầu hết các cơ sở này đều thiếu những biện pháp bảo đảm an toàn tối thiểu cho người xung quanh.  Thậm chí, nhiều khu sinh thái còn đưa cá sấu nhỏ ra làm trò giải trí cho du khách, tuy nhiên mõm cá sấu chỉ được buộc qua loa bằng sợi chun, rồi tha hồ cho mọi người bế, giẫm lên chụp ảnh. Nhận định về điều này, ông Lê Minh Tuyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho rằng, để cho trẻ nghịch, nô đùa với những loài ĐVHD nguy hiểm này là do nhận thức của người lớn không đầy đủ. Bởi, một số loài như đà điểu, cá sấu… cắn có thể gây nhiễm trùng uốn ván, vì những loài này toàn ăn xác thối, thịt thối đã phân hủy.

Về tình hình nuôi nhốt những loài ĐVHD hiện nay, ông Tuyên cho biết, toàn TP Hà Nội có 21 cơ sở nuôi cá sấu với khoảng hơn 4.000 con. Tuy nhiên, trong đó, có khoảng hơn 700 con chưa đăng ký trại nuôi. Ngoài ra, đối với gấu hiện có gần 90 cơ sở, bọ cạp chưa cấp phép cho cơ sở nào.  “Theo quy định của Nhà nước, tổ chức, cá nhân có nhu cầu gây nuôi ĐVHD, đặc biệt một số loài hung dữ như cá sấu, gấu, rắn hổ mang… thì việc cấp giấy phép có quy trình rất chặt chẽ, không thể cấp bừa bãi được”, ông Tuyên nói. Cụ thể như, phải có đơn xin đăng ký trại nuôi sinh sản, sinh trưởng ĐVHD, có phương án gây nuôi để kinh doanh, bảo tồn hay phục vụ du lịch, có quy trình kỹ thuật gây nuôi của từng loài. Ngoài ra, tổ chức cá nhân muốn nuôi phải chứng minh nguồn gốc con vật, rồi đảm bảo quy định về chuồng, trại, bể nuôi nhốt. Chủ nuôi phải cam kết không để xảy ra ảnh hưởng đến môi trường, người chăm sóc và người xung quanh.

…Nhưng vẫn vượt rào

Theo ông Tuyên, dù hàng năm, Chi cục Kiểm lâm đều kiểm tra, giám sát các trại nuôi ĐVHD trên địa bàn TP để nắm rõ về số lượng, tình hình, song, đối với việc người dân mua về nuôi lén lút, không khai báo rất khó phát hiện. Tuy nhiên, khi đã bị phát hiện sẽ tịch thu và xử lý theo quy định tại NĐ/2009 của Chính phủ.

Trên địa bàn cả nước, ông Đoàn Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm cho biết, đến nay đã có trên 10.000 cơ sở nuôi ĐVHD đăng ký với cơ quan chức năng ở 63 tỉnh thành trên cả nước. Có 3 triệu ĐVHD thuộc 70 loài đang được nuôi, trong đó có 4 loài chính là trăn, cá sấu, khỉ đuôi dài và rắn các loại. Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ là hai khu vực nuôi ĐVHD lớn nhất cả nước (chiếm 70%), tiếp theo là đồng bằng sông Hồng (20%). Việc quản lý ĐVHD hiện nay rất khó khăn bởi sự mập mờ giữa nuôi vì mục đích thương mại và nuôi để bảo tồn.

Quy định về các động vật nuôi được ông Nam cho rằng, chưa đầy đủ về từng loài một, gấu, hổ… thì đã có các quy định cụ thể, tuy nhiên còn rất nhiều loài khác chưa có, đây cũng là một trong những khó khăn trong công tác quản lý. Bên cạnh đó về phía các tổ chức cá nhân nuôi, ý thức chưa tốt, vẫn còn nhiều chuồng trại chưa đảm bảo các yếu tố kĩ thuật nuôi, nhiều nơi còn nuôi trái phép, không đăng ký, trình báo với lực lượng kiểm lâm.

Trường hợp nuôi cá sấu của ông Dương Văn Viễn, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã lập biên bản, đang tiến hành xác minh nguồn gốc số cá ở hồ nuôi. Kết luận ban đầu, ông Viễn gây nuôi ĐVHD trái phép, còn cá sấu có nguồn gốc hay không phải chờ thời gian xác minh. Nếu ông Viễn không chứng minh được nguồn gốc của 20 con cá sấu đang nuôi trong hồ thì sẽ bị xử phạt hành chính và bị tịch thu toàn bộ tang vật.