Thông tin báo chí cần nhanh, nhưng phải chuẩn xác

ANTĐ - Bên hành lang Quốc hội, ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã trả lời phỏng vấn báo giới một số vấn đề liên quan đến những thông tin phản cảm, gây ảnh hưởng đến xã hội được đăng tải trên một số phương tiện thông tin điện tử.

PV- Gần đây, trên các trang “mạng” xã hội đưa những thông tin, hình ảnh liên quan đến đời tư, gây “sốc” trong dư luận. Quan điểm của Hội Nhà báo Việt Nam như thế nào, thưa ông?


Ông Hà Minh Huệ:
Chuyện giật gân câu khách, đời sống của ngôi sao không đáng nói. Tuy nhiên, một số vấn đề khác liên quan đến đời tư có những bình luận quá mức cần thiết cho dư luận là không đúng. Quan trọng là các cơ quan báo chí phải tăng cường giáo dục, kể cả về nghiệp vụ cho phóng viên, biên tập viên và nếu nắm vững nghiệp vụ, người làm báo không bị sa đà vào những cái sai như thế. Đó là quan điểm của Hội Nhà báo Việt Nam.

PV- Một số trang web, trang thông tin, báo điện tử sa đà vào việc giật tít, câu view, vấn đề này có đi lệch so với định hướng của báo chí hay không và quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Ông Hà Minh Huệ

Ông Hà Minh Huệ: Nghị định 72/CP quy định hoạt động của các trang “mạng” đã nói rất rõ và phân loại chức năng, nhiệm vụ cụ thể: báo điện tử làm gì, trang thông tin điện tử làm gì, trang cá nhân làm gì. Tuy nhiên, hiện nay có sự lệch lạc trong quy định đối với từng loại. Nhiều trang web lại đi đưa tin; hay như phóng viên nói, một số báo điện tử hay trang thông tin đi lấy thông tin của các cơ quan báo chí khác, có thể sửa đổi một chút, có thể thay tin nhưng không đề nguồn, đó là sự vi phạm quy định của báo chí.

Tôi vẫn nhấn mạnh quy định về đạo đưc nghề nghiệp, nếu phóng viên không trung thực, lấy sản phẩm của người khác, sức lao động của người khác để làm thành sản phẩm của mình; không ngoại trừ những người lấy thông tin đã nhận nhuận bút của cơ quan báo chí và những trang thông tin để sử dụng vào mục đích cá nhân và đó là sai pháp luật.

Thế nên, việc câu view như chúng ta vẫn nói, hay tạo ra sự giật gân câu khách, lấy thông tin ở một báo rồi đắp thêm “da thịt” để tin bài giật gân hơn, hoàn toàn là hành vi sai trái, cần phải lên án.

PV- Theo ông, cần phải làm gì để giải quyết tình trạng trên?

Ông Hà Minh Huệ: Trước hết, tôi đề nghị các cơ quan báo chí phải tự soi lại mình, tự điều chỉnh, không để đến lúc Bộ Thông tin - Truyền thông (TT - TT) “đụng tới” rồi bị phạt. Số tiền bị phạt không đáng, nhưng nó ảnh hưởng đến sự nhìn nhận của công chúng đối với cơ quan báo chí đó.

PV- Gần đây Bộ TT - TT đã ra quyết định xử phạt nặng với một trang mạng xã hội có sức lan tỏa thông tin khá rộng. Việc Bộ TT - TT thắt chặt nguồn thông tin của một số trang mạng xã hội, có phải vì lâu nay chúng ta đã mở quá rộng các kênh để thông tin lan tỏa nhưng không kiểm soát được?

Ông Hà Minh Huệ: Việc mở rộng là cần thiết để đáp ứng nhu cầu thông tin của xã hội. Mỗi trang thông tin đều có tôn chỉ, mục đích riêng. Tuy nhiên trang thông tin bị xử lý vừa rồi đã đi quá xa, bản thân chủ quản của trang này cũng tự nhận điều đó, tự nhận sai sót của mình. Cho nên, việc mở rộng các kênh thông tin là một chuyện, điều đáng nói là các cơ quan chủ quản của các cơ quan báo chí phải kiểm soát nội dung thông tin, phải thực hiện đúng tôn chỉ mục đích của mình, là chuyện hoàn toàn khác. Hai bên đều phải thực hiện đúng quy định của pháp luật.

PV- Ông vừa đề cập tới tình trạng báo điện tử có xu hướng trùng lặp nhau, tuy nhiên đặc thù của báo điện tử yêu cầu thông tin phải nhanh, cập nhật, theo ông có sự mâu thuẫn với việc vừa phải có lượng thông tin dày, vừa phải đảm bảo thông tin nhanh, cập nhật đến độc giả?

Ông Hà Minh Huệ: Theo tôi, nhanh nhưng phải chính xác, còn nếu nhanh mà không chính xác là đáng phê phán. Tuy nhiên, còn một yếu tố nữa chi phối đó là sự non kém về nghiệp vụ, và đạo đức nghề nghiệp dẫn đến những sai sót. Non về nghiệp vụ là phóng viên không biết quy định của mình được làm đến đâu; về đạo đức nghề nghiệp, phóng viên làm sai nhưng không hiểu và thậm chí nghiêm trọng hơn có thể dẫn tới vi phạm pháp luật.

PV- Ngoài những giải pháp hành chính mà Bộ TT - TT đang áp dụng triển khai phạt một số trang báo điện tử, trang thông tin điện tử vừa rồi, thời gian tới, Bộ này sẽ phải có những giải pháp nào không để xảy ra tình trạng thông tin nhiễu loạn, quá đà, theo ông?

Ông Hà Minh Huệ: Như tôi đã nói, bản thân cơ quan báo chí phải tự rà soát lại, phải xem tôn chỉ mục đích của mình, được phép làm đến đâu để không quá đà. Bên cạnh đó, cơ quan thanh tra và các cục chức năng của Bộ phải rà soát lại. Theo tôi, có thể gọi đây là một chiến dịch, như Thứ trưởng Bộ TT - TT Trương Minh Tuấn đã khẳng định, sắp tới sẽ làm chặt chẽ, nghiêm túc, xử lý nghiêm những vi phạm, sai sót.

PV - Về phía Hội Nhà báo, có những hoạt động gì để hỗ trợ, đào tạo, đặc biệt đối với những phóng viên trẻ, giúp họ nâng cao nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp?

Ông Hà Minh Huệ: Trong những năm qua, Hội Nhà báo Việt Nam với tư cách là tổ chức hội của những người làm báo Việt Nam, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động có liên quan đảm bảo thông tin báo chí, đi đúng định hướng; phóng viên, nhà báo hoạt động đúng pháp luật, đúng quy định đạo đức nghề nghiệp; Ban Bí thư giao Hội Nhà báo hàng năm tổ chức khoảng 40 - 50 khóa, lớp về nghiệp vụ, để nâng cao trình độ chính trị, đạo đức nghề nghiệp.

Cũng trong thời gian qua, Hội Nhà báo Việt Nam kêu gọi các tổ chức hội ở địa phương, trung ương, tổ chức loạt hội thảo về đạo đức nghề nghiệp trong khai thác, xử lý nguồn tin, không phải thông tin nào cũng đưa, mà những thông tin có lợi cho đất nước, xã hội mới đưa và phải phản ánh trung thực, không thể vì nhanh, mà ẩu. Nhiều báo điện tử hiện nay hơi nhanh, nên cũng dẫn tới nhiều sai sót bị xử lý. Chưa rõ thông tin thế nào, thì nên thận trọng. Báo chí cần nhanh nhưng phải chuẩn xác.