Thông điệp từ chuyến thăm lịch sử

ANTĐ - Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 20-5 đã tiếp đón người đồng nhiệm Myanmar Thein Sein tại Nhà Trắng, trong chuyến thăm chính thức đầu tiên của người đứng đầu Nhà nước Myanmar tới Mỹ kể từ năm 1966.

Thông điệp từ chuyến thăm lịch sử ảnh 1
Tổng thống B. Obama  tiếp đón Tổng thống Myanmar Thein Sein tại Nhà Trắng


Phát biểu tại buổi hội đàm, ông Obama khen ngợi sự lãnh đạo của Tổng thống Thein Sein trong việc thúc đẩy mạnh mẽ quá trình cải cách của Myanmar, đồng thời cam kết Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ  Myanmar cả về chính trị và kinh tế. Ông Obama nói rằng, Tổng thống Thein Sein đã có những nỗ lực đáng ghi nhận trong việc giải quyết tình trạng xung đột sắc tộc tại nước này.

Về phần mình, Tổng thống Thein Sein nói rằng Myanmar vẫn đối mặt với nhiều thách thức và bày tỏ sự cảm ơn đối với sự giúp đỡ của Mỹ trong tiến trình cải cách của nước này. 

Chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Myanmar tới Mỹ diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước có dấu hiệu nồng ấm trở lại. Mặc dù hai bên vẫn còn một số bất đồng, nhưng chuyến thăm trên cho thấy Mỹ ngày càng coi trọng mối quan hệ hợp tác với Myanmar do tầm quan trọng về mặt địa chính trị của nước này khi có đường biên giới giáp với hai cường quốc châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ. “Đối với Mỹ, Myanmar có những lợi ích chiến lược địa chính trị quan trọng trong việc cạnh tranh ảnh hưởng với đối thủ Trung Quốc”, ông Gerhard Will, chuyên gia về châu Á thuộc Viện An ninh và quốc tế ở Berlin (Đức) nhận định.

Trong khi đó, ông Boris Volkhonsky, chuyên gia của Viện nghiên cứu chiến lược Nga cho rằng, Myanmar là một trong những điểm quan trọng trong chiến lược “chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc vì nước này nằm trên con đường tắt tiềm năng vận chuyển hàng hóa từ châu Phi và Trung Đông tới miền nam Trung Quốc. Bởi vậy, bằng việc cải thiện quan hệ với Myanmar, Mỹ đang tháo dần “chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc và hạn chế sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Đây cũng là một phần trong chiến lược “xoay trục” của Mỹ sang khu vực châu Á - hái Bình Dương, trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng tăng cường chi tiêu quân sự trong một thập kỷ qua.