Thời tiết chuyển mùa, trẻ em nhập viện vì bệnh đường hô hấp tăng cao

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Những ngày gần đây, trung bình mỗi ngày Bệnh viện Đa khoa Hà Đông tiếp nhận hơn 100 bệnh nhi đến khám, 60-70% là bệnh đường hô hấp, trong đó có những trẻ nhiễm virus hợp bào hô hấp…
Điều trị bệnh nhi tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông

Điều trị bệnh nhi tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, thời điểm giao mùa, sự chênh lệch về nhiệt độ, độ ẩm không khí khiến số trẻ viêm đường hô hấp tăng cao. Tại khoa Nhi của bệnh viện hiện ghi nhận hơn 100 bệnh nhi bị viêm đường hô hấp đang điều trị, trong đó có nhiều trẻ nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV).

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Dương - Trưởng khoa Nhi, các bệnh đường hô hấp hay gặp ở trẻ liên quan đến virus như viêm tiểu phế quản do virus RSV, cảm cúm, cúm A, cúm B, Adeno virus và một số bệnh nhiễm khuẩn khác...

Trong đó, virus RSV là một loại virus gây ra các bệnh viêm đường hô hấp, dễ gây biến chứng nặng. Sau 2-3 ngày nhiễm bệnh sẽ tiến triển nặng lên và chuyển sang viêm tiểu phế quản, viêm phổi; bệnh có thể biến chứng thành bội nhiễm gây viêm tai giữa, có trẻ bị viêm tiểu phế quản, suy hô hấp…

Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cũng thông tin cho biết, trong nửa đầu tháng 3, khoa Nhi của bệnh viện ghi nhận 74 trẻ nhiễm RSV đến khám và điều trị. Lượng bệnh nhi đến khám vì các bệnh liên quan đường hô hấp khác cũng tăng đáng kể trong gần 2 tháng trở lại đây.

Theo các bác sĩ, bệnh do virus hợp bào hô hấp thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa, nhất là mùa xuân - hè. Khi trẻ nhiễm RSV, triệu chứng khởi phát ban đầu thường là ho khan, hắt hơi, sổ mũi và có thể sốt nhẹ tới cao. Các triệu chứng này rất dễ bị nhầm lẫn với nhiễm cúm hay các loại virus khác. Đến giai đoạn toàn phát, trẻ có dấu hiệu khò khè, ho nhiều, thở nhanh, có thể dẫn tới khó thở, suy hô hấp, xẹp phổi, tràn khí màng phổi, ứ khí phổi.

Do vậy, trong thời điểm giao mùa này, để phòng tránh nhiễm RSV, cần chú ý hướng dẫn trẻ giữ vệ sinh tay; cha mẹ cũng cần rửa tay trước khi chế biến thực phẩm, sau khi cho trẻ ăn, tránh chạm vào mắt, mũi và miệng trẻ bằng tay khi chưa rửa sạch.

Ngoài ra, hạn chế tiếp xúc gần với người bệnh hoặc dùng chung cốc, dụng cụ ăn uống với những người có các triệu chứng giống như cảm lạnh; đeo khẩu trang khi đến nơi đông người; làm sạch và khử trùng các bề mặt và đồ vật mà trẻ thường xuyên chạm vào như đồ chơi, tay nắm cửa; tăng cường dinh dưỡng, bổ sung đủ nước, vitamin…

Bệnh RSV thường kéo dài trong vài ngày, nếu trẻ có thể trạng sức khỏe tốt và được chăm sóc đúng cách, bệnh sẽ không quá đáng ngại và tự khỏi sau 3 - 5 ngày. Tuy nhiên, khi thấy trẻ xuất hiện các dấu hiệu nặng như: sốt cao, co giật, tím tái, bỏ bú, kém ăn, thở nhanh, rút lõm lồng ngực… cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.