Thời khắc nguy hiểm

(ANTĐ) - Ấn Độ đã chính thức lên tiếng quy trách nhiệm cho Pakistan về các vụ tấn công ở Mumbai, đồng thời thúc giục Pakistan loại bỏ hạ tầng cơ sở hỗ trợ phiến quân. Quan hệ giữa hai nước Nam á vốn có hiềm khích với nhau giờ đứng trước nguy cơ bùng nổ.

Thời khắc nguy hiểm

(ANTĐ) - Ấn Độ đã chính thức lên tiếng quy trách nhiệm cho Pakistan về các vụ tấn công ở Mumbai, đồng thời thúc giục Pakistan loại bỏ hạ tầng cơ sở hỗ trợ phiến quân. Quan hệ giữa hai nước Nam á vốn có hiềm khích với nhau giờ đứng trước nguy cơ bùng nổ.

Tuyên bố với hãng tin PTI, Ngoại trưởng ấn Độ P. Mukherjee khẳng định: “Bằng chứng ban đầu của vụ khủng bố cho thấy sự dính líu của các phần tử có liên hệ với Pakistan, chính những nhân tố tại Pakistan phải chịu trách nhiệm về thảm kịch Mumbai”. Đây là lần đầu tiên Chính phủ ấn Độ nêu đích danh Pakistan đóng vai trò nhất định trong những vụ tấn công khiến 130 người thiệt mạng ở Mumbai.

Ngoại trưởng ấn Độ P.Mukherjee (phải) đang cáo buộc Pakistan
Ngoại trưởng ấn Độ P.Mukherjee (phải) đang cáo buộc Pakistan

 Báo chí ấn Độ ngày 30-11 dẫn các nguồn tin tình báo nước này cho biết, tên khủng bố bị bắt giữ trong các vụ tấn công khủng bố ở Mumbai là A. Amir Kamal, 21 tuổi, đã khai rằng tất cả những kẻ tấn công khủng bố đều là công dân Pakistan và được nhóm vũ trang Lashkar-e-Taiba, nhóm chống lại chính quyền ấn Độ ở Kashmir, huấn luyện. Tên này còn khẳng định các tay súng khủng bố đã tới Mumbai bằng xuồng từ một con tàu chúng cướp được sau khi giết hại thủy thủ đoàn.

Thêm vào đó, quá khứ cho thấy trong nhiều vụ khủng bố ở ấn Độ có bàn tay ngầm từ phía Pakistan. Nguyên nhân là trong chiến lược giải quyết cuộc tranh chấp với ấn Độ về chủ quyền với khu vực Kashmir, từ nhiều năm nay, Pakistan đã ngấm ngầm hậu thuẫn cho các phần tử ly khai ở khu vực này. Mục đích của các hoạt động ngầm này là nhằm đặt Kashmir luôn trong tình trạng bất ổn để quốc tế hóa vấn đề Kashmir. Chính vì thế mà quan hệ ấn Độ -  Pakistan luôn nằm trong tình trạng căng thẳng. Cuối năm 2001, hai nước từng đứng bên bờ của cuộc chiến tranh hạt nhân sau khi những phần tử khủng bố người Pakistan đột kích vào khu tòa nhà Quốc hội ấn Độ, gây ra một cuộc đấu súng chưa từng có với các nhân viên an ninh ngay trước mắt các nghị sĩ.

Phải mất rất nhiều công sức của cộng đồng quốc tế, căng thẳng trong quan hệ ấn Độ - Pakistan mới dịu đi. Thế nhưng, thực trạng của mối quan hệ đó vẫn là “bằng mặt nhưng không bằng lòng”. Chính vì thế dư luận quốc tế hết sức lo ngại trước lời cáo buộc của ấn Độ với Pakistan. Bất chấp việc Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari khuyến cáo ấn Độ không nên “phản ứng thái quá” sau các vụ tấn công khủng bố ở Mumbai và thề sẽ trừng trị “nghiêm khắc nhất” bất kỳ công dân Pakistan nào có bằng chứng chứng tỏ liên quan đến vụ việc, ấn Độ khẳng định sẽ nâng mức kiểm soát an ninh trong nước và khu vực biên giới lên cấp “chiến tranh”. Quốc vụ khanh Bộ Nội vụ ấn Độ S. Jaiswal còn nói thẳng rằng: “Chúng tôi không nghi ngờ gì việc các phần tử khủng bố đến từ Pakistan”.

Trong một động thái được coi là phòng sẵn, Pakistan để lộ khả năng sẽ điều quân từ biên giới với Afghanistan tới biên giới với ấn Độ nếu căng thẳng bùng phát sau các cuộc tấn công khủng bố ở Mumbai. Một quan chức cấp cao Pakistan dự đoán hai ngày tới sẽ là thời điểm quyết định đối với mối quan hệ song phương ấn Độ - Pakistan. Liệu một cuộc chiến tranh nữa có nổ ra giữa hai nước láng giềng cùng sở hữu vũ khí hạt nhân ấn Độ và Pakistan?

 Hoàng Sơn