Thời điểm chín muồi để Từ Liêm tách thành 2 quận

ANTĐ - Ngày 26-9, trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm (Hà Nội), ông Lê Văn Thư cho biết, Bộ Nội vụ đã làm việc với  Từ Liêm về ý tưởng tách thành 2 quận. Các chuyên gia đô thị cũng đánh giá, huyện Từ Liêm đã hội đủ các điều kiện để lên quận.

Huyện Từ Liêm đã hình thành nhiều khu đô thị mới khang trang, hiện đại

Nhiều lần chia tách

Huyện Từ Liêm được thành lập ngày 31-5-1961 trên cơ sở quận 5, quận 6 và một số xã của huyện Hoài Đức, huyện Đan Phượng - tỉnh Hà Đông. Huyện gồm 26 xã, có diện tích đất trên 114 km2, dân số 12 vạn người. Năm 1974, huyện đã bàn giao xã Yên Lãng về khu phố Đống Đa. Đầu năm 1996, huyện đã bàn giao tiếp 5 xã (Tứ Liên, Nhật Tân, Quảng An, Xuân La, Phú Thứ) về quận Tây Hồ. Cuối năm 1996, huyện bàn giao xã Nhân Chính với 9.229 nhân khẩu về quận Thanh Xuân. Từ ngày 30-8-1997, 4 thị trấn (Cầu Giấy, Mai Dịch, Nghĩa Đô, Nghĩa Tân) và 3 xã (Dịch Vọng, Yên Hòa, Trung Hòa) đã tách khỏi huyện để thành lập quận Cầu Giấy.  

Sau nhiều lần chia tách, hiện nay, Từ Liêm còn lại 15 xã và 1 thị trấn, có diện tích đất tự nhiên 75,15 km2 và dân số nhiều nhất so với các quận nội thành hiện có của Hà Nội, với trên 550.000 người. Thậm chí, một số quận chỉ có quy mô dân số bằng 1/3 huyện Từ Liêm như Hoàn Kiếm, Tây Hồ. Theo Nghị định số 62/NĐ-CP năm 2011 của Chính phủ, quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương được thành lập khi đạt các tiêu chuẩn sau: Mật độ dân số đạt từ 10.000 người/km2 trở lên; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt từ 90% trở lên so với tổng số lao động; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ - du lịch trong cơ cấu kinh tế đạt từ 90% trở lên; hệ thống các công trình hạ tầng đô thị được xây dựng đồng bộ và hoàn chỉnh; Có quy hoạch phân khu đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đối với trường hợp quận được thành lập để mở rộng khu vực nội thành của thành phố trực thuộc Trung ương, quận mới phải đạt từ 70% trở lên mức tiêu chuẩn quy định.

Đủ điều kiện lên quận

Ông Lê Văn Thư, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm cho biết, theo quy trình, Bộ Nội vụ sẽ trình Chính phủ về chủ trương tách huyện. Nếu Thủ tướng Chính phủ cho phép, khi đó mới lập Đề án chi tiết trình HĐND TP xem xét. Sau khi HĐND TP thông qua tại một kỳ họp, TP mới trình đề án để Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Ông Lê Văn Thư nói: “Nói chung, các điều kiện hiện nay đã hội đủ. Ngoài tiêu chí về dân số, hệ thống cơ sở hạ tầng của huyện Từ Liêm hiện nay hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu khi tách thành 2 quận. Bộ Nội vụ cũng đã làm việc với huyện Từ Liêm về vấn đề này. Tuy nhiên, quy trình sẽ còn rất dài, phải từ HĐND cấp xã đi lên tới thành phố”. 

Ý tưởng tách huyện Từ Liêm thành 2 quận trên thực tế đã được khởi động từ nhiều năm trước. Năm 2001, khi Hà Nội đang xây dựng đề án tách một số xã thuộc huyện Gia Lâm để thành lập quận mới Long Biên, đã có ý tưởng tách một phần huyện Từ Liêm để hình thành một quận mới ở phía Tây Thủ đô. Tuy nhiên, trong khi quận Long Biên đã chính thức ra mắt vào ngày 1-1-2004 thì đề xuất tách quận mới từ huyện Từ Liêm lại lỡ hẹn. Tới thời điểm năm 2005-2006, câu chuyện Từ Liêm sẽ lên quận lại rộ lên. Thậm chí, khi đó, đã xuất hiện cả tên gọi của 2 quận mới sau khi chia tách là quận Mỹ Đình và quận Từ Liêm. Dù vậy, vì các lý do, Từ Liêm vẫn tiếp tục giữ nguyên cho tới ngày nay. 

Nguyên Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, khác rất nhiều với 10 năm trước, đây là thời điểm chín muồi để Từ Liêm lên quận. Sau nhiều năm đô thị hóa nhanh, hệ thống hạ tầng đô thị của Từ Liêm hiện nay đã đáp ứng được yêu cầu. Quy mô dân số hiện cũng đã quá tải, rất cần được quản lý theo mô hình trung tâm đô thị. Việc tách Từ Liêm thành 2 quận cũng hoàn toàn phù hợp với quy hoạch. Bởi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội tới năm 2030, tầm nhìn 2050 đã xác định rõ, Từ Liêm nằm trong khu vực trung tâm đô thị và vùng phát triển mới.