Thọc vào “sân sau”
(ANTĐ) - Phó Tổng thống Mỹ D. Cheney đã bắt đầu chuyến công du tới 3 nước láng giềng ở phía Nam của Nga nhằm phát đi một thông điệp rằng Washington sẽ “hậu thuẫn” cho các nước đồng minh này trong cuộc đối đầu với Nga.
Hôm 3-9, ông D. Cheney đã đặt chân đến Azerbaijan và có các cuộc gặp với Tổng thống và các nhà lãnh đạo hàng đầu khác của nước này. Sau Azerbaijan, ông Cheney sẽ tới Gruzia, nơi Wasington đang nỗ lực thúc đẩy sự ủng hộ đối với chính quyền của Tổng thống M. Saakashvili vốn đang bị Nga coi như “xác chết chính trị” sau khi mạo hiểm mở cuộc tấn công vào Nam Ossetia. Cuối cùng, ông D. Cheney sẽ tới Ukraine, một trong những đồng minh của Mỹ thường lớn tiếng chống Nga.
Ông D. Cheney đang được đón tiếp tại sân bay của Azerbaijan |
Việc các quan chức cao cấp nhất của Mỹ liên tục đặt chân đến các vùng đất nhạy cảm không phải không có lý do. Chuyến công du của ông D. Cheney diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Matxcơva ngày càng tăng sau khi Nga khẳng định quyền thể hiện sức mạnh tại nơi được gọi là “khu vực ảnh hưởng truyền thống” của Nga trong đó có nhiều nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây.
Nga và Gruzia đồng loạt đóng cửa đại sứ quán Các hãng thông tấn ngày 3-9 đưa tin, Nga và Gruzia đã đóng cửa đại sứ quán mỗi bên tại Thủ đô của hai nước sau khi Tbilisi quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Matxcơva. Hãng Itar-Tass đưa tin, Công hàm của Bộ Ngoại giao Nga yêu cầu sứ quán của nước này tại Tbilisi ngừng làm việc bắt đầu từ ngày 3-9. “Đại sứ quán Nga tại Gruzia không còn hoạt động nữa. Các lãnh sự quán cũng đóng cửa cho tới khi nhận được chỉ thị tiếp theo từ Matxcơva” - Người phát ngôn Đại sứ quán Nga tại Tbilisi Alexander Savonov xác nhận. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Gruzia cho biết họ vẫn duy trì lãnh sự quán để phục vụ hàng trăm nghìn công dân Gruzia đang sống tại Nga. Theo Hiệp định về quan hệ lãnh sự quán Vienna, việc phá bỏ quan hệ ngoại giao không nhất thiết kéo theo quan hệ lãnh sự quán cũng bị cắt đứt. Trước đó một ngày, Gruzia chính thức tuyên bố phá bỏ quan hệ ngoại giao với Nga theo Nghị quyết của Quốc hội nước này thông qua cuối tuần trước. Đại sứ Nga tại Gruzia Andrei Smaga xác nhận ông đã được thông báo về việc này và gọi động thái này là một “sai lầm”. Gruzia cho rằng đây là hành động phản ứng lại việc Nga công nhận độc lập cho hai khu vực ly khai Nam Ossetia và Abkhazia. Yên Vũ (Theo AFP/Ria Novosti) |
Trong khi Nga coi 3 nước trên nằm trong phạm vi ảnh hưởng của mình, thì Mỹ lại nhìn nhận Azerbaijan, Ukraine và Gruzia như những “đầu cầu” quan trọng nhằm thọc dần vào “sân sau” của Nga. Nhiều năm nay, tuyến đường ống dẫn dầu BTC (Baku-Tbilisi-Ceyhan) trị giá 4 tỷ USD của Mỹ nối biển Caxpi tới phương Tây đã đưa Azerbaijan và Grudia thành hai mối nối trong hành lang năng lượng chạy vòng qua Nga.
Ông J. Bugajski, Giám đốc Dự án dân chủ ở châu Âu mới tại Trung tâm chiến lược và nghiên cứu quốc tế Washington, nhận định: “Azerbaijan, Gruzia và Ukraine là ba nước hiện đang chịu sức ép trực tiếp của Nga, vì vậy chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ là nhằm phát đi tín hiệu Mỹ sẽ không bỏ rơi khu vực này”.
Nhận định trên hoàn toàn đúng bởi sau khi Nga đưa quân và xe tăng vào sâu trong lãnh thổ Gruzia để trả đũa việc Tbilisi cố giành lại khu vực ly khai Nam Ossetia bằng vũ lực, Mỹ và phương Tây lo ngại hai quốc gia này có thể chịu nhiều sức ép và điều đó ảnh hưởng đến tuyến đường ống dẫn dầu chiến lược BTC của Mỹ. Vì thế bất chấp việc Nga lớn tiếng chỉ trích Mỹ đứng đằng sau kích động chính quyền Gruzia thân phương Tây châm ngòi cho cuộc xung đột với Nga khi tấn công nước cộng hòa tự xưng Nam Ossetia, nơi có phần đông người gốc Nga và người mang quốc tịch Nga sinh sống, trong chuyến thăm lần này, ông D. Cheney lại mang đến Tbilisi lời hứa của Washington viện trợ 1 tỷ USD tái thiết Gruzia sau chiến tranh.
Tất nhiên Nga không thể thờ ơ với chuyến công du đầy toan tính của ông D. Cheney. Tổng thống Nga Medvedev tuyên bố: “Thật đáng tiếc, ở một thời điểm nhất định Mỹ đã trao toàn quyền hành động cho ông Saakashvili, gồm cả quân sự. Điều đó được hiểu là sự xâm lược”. Matxcơva khẳng định sẵn sàng khôi phục quan hệ với Washington nhưng cho rằng bây giờ là thời điểm Washington phải đánh giá lại chính sách ủng hộ Tổng thống Gruzia. Nước Nga thậm chí còn tuyên bố công khai rằng họ còn rất ít kiên nhẫn đối với vai trò của Washington tại khu vực phía Nam nước này.
Cuộc đối đầu giữa Nga và Mỹ nhằm giành ảnh hưởng ở vùng đất thuộc Liên Xô trước đây vẫn diễn ra căng thẳng. Chắc rằng cú “thọc vào sân sau” mà ông D. Cheney đang muốn thực hiện sẽ còn làm mối quan hệ này nóng thêm.
Hoàng Sơn