Thoát án tử hình

(ANTĐ) - Vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản do nguyên giám đốc Công ty cổ phần Hải Phú Sơn chủ mưu đã được xét xử hình sự cách đây 4 năm. Nhưng trải qua 2 bản án sơ, phúc thẩm và giám đốc thẩm của TAND Tối cao, vụ án phức tạp này lại được lật lại để xử sơ thẩm từ đầu.

Thoát án tử hình

(ANTĐ) - Vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản do nguyên giám đốc Công ty cổ phần Hải Phú Sơn chủ mưu đã được xét xử hình sự cách đây 4 năm. Nhưng trải qua 2 bản án sơ, phúc thẩm và giám đốc thẩm của TAND Tối cao, vụ án phức tạp này lại được lật lại để xử sơ thẩm từ đầu.

Nguyên giám đốc Công ty Hải Phú Sơn - bị cáo Luật (bên phải) thoát án tử hình do áp dụng luật mới

Nguyên giám đốc Công ty Hải Phú Sơn - bị cáo Luật (bên phải) thoát án tử hình do áp dụng luật mới

Theo truy tố, ngày 19-5-2003, Công ty cổ phần Hải Phú Sơn được thành lập và có trụ sở tại phố Ngọc Lâm, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên gồm các chức năng khá đa dạng về tư vấn đầu tư, sử dụng nguồn tài chính, môi giới bất động sản, dịch vụ nhà đất, kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ... với vốn điều lệ là 1,8 tỷ đồng do Phạm Duy Luật (SN 1955) làm giám đốc.

Do biết thông tin có khu đất diện tích trên 8.000m2 do Công ty TNHH Hương Mai quản lý tại xã Thạch Bàn, huyện Gia Lâm đang kinh doanh không hiệu quả, ngày 6-6-2003, Phạm Duy Luật đã làm tờ trình gửi các cơ quan chức năng để giới thiệu Công ty cổ phần Hải Phú Sơn là thành viên của Tập đoàn Tài chính xuyên Thái Bình Dương (P.P.I) có vốn kinh doanh 15 triệu USD muốn được cấp khu đất trên để lập dự án đầu tư.

Ngày 27-6-2003, UBND huyện Gia Lâm đã gửi công văn đến UBND thành phố Hà Nội, Sở Địa chính Nhà đất đề nghị thu hồi diện tích đất trên để Công ty Hải Phú Sơn đầu tư, xây dựng nhà ở, văn phòng, biệt thự cho thuê và  khu vui chơi giải trí. Do Công ty TNHH Hương Mai có kết quả kinh doanh tại khu đất này không hiệu quả nên đã đồng tình với dự án đầu tư trên. 1 tháng sau UBND thành phố đã ra quyết định thu hồi diện tích đất này giao cho Công ty Hải Phú Sơn để làm chủ đầu tư dự án.

Đầu tháng 8-2003, Luật đã bổ nhiệm Phạm Văn Hùng (SN 1958, trú tại phường Quảng An, quận Tây Hồ) làm Trưởng phòng Kinh doanh bất động sản của công ty với nhiệm vụ trực tiếp thực hiện Dự án đất Thạch Bàn. Dù đã nhận được đất, Luật không hề có dự án nào trình duyệt các cấp có thẩm quyền và đã kịp thống nhất cách huy động vốn để tìm những người có nhu cầu mua đất. Chỉ bằng những bản “Hợp đồng huy động góp vốn đầu tư”, Luật và Hùng đã thu tiền của nhiều người bị hại theo nhiều đợt. Trong vòng 3 tháng tính từ ngày 18-8 đến 17-11-2003, Hùng đã thu tiền của 23 người trong đợt 1 gần 8,8 tỷ đồng.

Sau này tại CQĐT, Hùng khai cả hai đã thảo Hợp đồng góp vốn đầu tư theo yêu cầu của Luật để có nguồn kinh phí cho việc đối ngoại với mục đích chi cho một số cơ quan có thẩm quyền để họ tạo điều kiện trong quá trình giải quyết việc cấp đất. Hùng thừa nhận đã thu số tiền trên của các bị hại nhưng khẳng định đã giao lại toàn bộ cho Luật. Cuối tháng 8-2006, vụ án trên đã được TAND thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Luật tử hình và Hùng 12 năm tù giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Sau đó, cả hai bị cáo đều kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nhưng TAND Tối cao đã không chấp nhận và bác bỏ kháng cáo trên. Sau đó, Chánh án TAND Tối cao đã ra kháng nghị giám đốc thẩm đề nghị hủy bản án hình sự phúc thẩm để điều tra lại. Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã kết luận Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm kết án có căn cứ nhưng trong quá trình giải quyết vụ án, cơ quan tiến hành tố tụng còn có sai lầm, thiếu sót  nên đã hủy bản án chuyển hồ sơ vụ án cho VKSNDTC để điều tra.

Trong hai ngày 13 và 14-12 vừa qua, TAND thành phố Hà Nội đã đưa vụ án trên ra xét xử sơ thẩm. Được sự ủy quyền của VKSNDTC, VKSND TP Hà Nội đã công bố bản cáo trạng truy tố 2 bị cáo này về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điểm a, khoản 4, Điều 193 - BLHS. Kết thúc phiên tòa, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Luật mức án chung thân; Hùng mức án 12 năm tù giam về tội danh trên. Ngoài ra, về mặt dân sự, 2 bị cáo phải liên đới bồi thường số tiền còn lại cho các bị hại.

Nguyễn Hiếu