Thoát án tử hình nhờ được bớt tội danh

ANTĐ - Sau 10 ngày xét xử và nghị án, chiều qua (20-7), TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt 11 bị cáo trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Đông Đô (BIDV Đông Đô) .

Trần Lệ Thủy (thứ 2 từ trái sang) cùng các bị cáo nghe tuyên án

Được xác định là bị cáo cầm đầu, chủ mưu xuyên suốt vụ án, Trần Lệ Thủy - nguyên cán bộ Phòng Dịch vụ khách hàng BIDV Đông Đô bị tuyên phạt tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Với vai trò đồng phạm giúp sức tích cực, các bị cáo Trần Chí Dân cũng bị tuyên phạt tù chung thân, Trần Thị Huyền bị phạt 20 năm tù giam, Nguyễn Thị Thu bị phạt 18 năm tù, Thái Thị Yên bị phạt 36 tháng tù (hưởng án treo) và Ngô Thị Thanh Huyền bị phạt 12 năm tù, cùng tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các bị cáo thuộc nhóm cán bộ, nhân viên ngân hàng còn lại lần lượt bị tuyên phạt với các mức án cụ thể là Vũ Khắc Thành - nguyên Phó Giám đốc BIDV Đông Đô bị phạt 3 năm tù về tội lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ; Hoàng Trung Thông - nguyên Phó Trưởng phòng Dịch vụ khách hàng BIDV Đông Đô bị phạt 30 tháng tù, Hoàng Bích Liên - nhân viên BIDV Đông Đô bị phạt 24 tháng tù (cùng được hưởng án treo) theo tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Với tội danh thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, Phạm Thị Hồng Thái - nguyên Phó Giám đốc BIDV Đông Đô bị phạt 3 năm tù giam và Nguyễn Minh Hằng - nguyên Phó Trưởng phòng Giao dịch I Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thành Công (VCB Thành Công) bị phạt 36 tháng tù, nhưng được hưởng án treo.

Trước đó, HĐXX cho rằng tất cả các hợp đồng vay tiền tại BIDV Thái Bình bằng thủ đoạn thế chấp giấy chứng nhận tiền gửi giả mạo do đánh tráo của Trần Lệ Thủy và đồng bọn đã được các bị cáo tất toán hết. Số tiền hơn 29 tỷ đồng chiếm đoạt của ngân hàng này đều phát sinh vào thời điểm Trần Lệ Thủy đã chuyển sang làm việc tại BIDV Đông Đô, đồng nghĩa với việc bị cáo không còn quản lý tài sản vào thời điểm đó. Vì vậy, bị cáo và đồng bọn không phạm tội tham ô tài sản như cáo trạng truy tố. Từ việc bác bỏ tội tham ô tài sản của tòa án nên Trần Lệ Thủy đã thoát được án tử hình.     

Xin nói thêm là trong quá trình xét xử, bị cáo Phạm Thị Hồng Thái và một số bị cáo khác cùng trình bày, theo quy định của BIDV Việt Nam, giám đốc chi nhánh là người chịu trách nhiệm kiểm duyệt hồ sơ lần cuối trước khi đưa vào lưu kho đối với các món vay lớn ở hình thức cho vay cầm cố bằng giấy tờ có giá. Thế nhưng trong rất nhiều hợp đồng vay tiền của Trần Lệ Thủy và đồng bọn tại BIDV Đông Đô đã không được người đứng đầu chi nhánh ngân hàng này kiểm duyệt để ngăn chặn kịp thời.  Tuy nhiên, cáo trạng truy tố các bị cáo thể hiện người đứng đầu đơn vị này chỉ bị xử lý hành chính!?