Thổ Nhĩ Kỳ mua HQ-9 để đề phòng chiến tranh với Israel?

ANTĐ - Ngày 05-10 vừa qua, tờ “Kommersant” của Nga đã có bài viết mang tiêu đề: “Một khi Thổ Nhĩ Kỳ và Israel xung đột, NATO có thể ngăn chặn hệ thống phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ”, nội dung là những phát biểu của ông Atila Sander Keller, giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược Bilgesam - Thổ Nhĩ Kỳ.

Bài viết đặt vấn đề, vì sao Thổ Nhĩ Kỳ lại tin tưởng vào hệ thống tên lửa phòng không Hồng Kỳ-9 (HQ-9) của Trung Quốc mà không phải là hệ thống Patriot của Mỹ, hệ thống S-300 của Nga và hệ thống Aster-30 của châu Âu? Ông Sander Keller cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định hợp tác với Trung Quốc để sản xuất hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 (phiên bản xuất khẩu là FD-2000).

Ông Sander Keller đã chỉ ra, nguyên nhân đầu tiên là vì yếu tố chất lượng. Hệ thống HQ-9 hoàn toàn không giống với Patriot của Mỹ hay S-300 của Nga, nó có thể phát hiện và tiêu diệt những loại tên lửa mà radar “thông thường” không thể nhận biết được. Ngoài ra, quyết định này còn bị chi phối bởi nguyện vọng phát triển công nghiệp quốc phòng của nước sở tại và những điều khoản hợp tác sản xuất và chia sẻ công nghệ hấp dẫn mà phía Trung Quốc đưa ra.

Nguyên nhân thứ 2 xuất phát từ yếu tố kinh tế, trong đó có 2 khía cạnh chủ yếu. Đầu tiên là hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 đưa ra mức giá chào thầu thấp hơn nhiều so với 3 hệ thống của Nga, Mỹ và châu Âu. Kế hoạch sản xuất mà Trung Quốc đưa ra mời chào Thổ Nhĩ Kỳ cũng rất hấp dẫn. Khoảng 40% số lượng thành phẩm sẽ sản xuất trên đất Thổ Nhĩ Kỳ và các công ty chế tạo vũ khí của nước này được phép tham gia vào quá trình này.

Thổ Nhĩ Kỳ mua HQ-9 để đề phòng chiến tranh với Israel? ảnh 1

Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng hệ thống phòng không HQ-9 Trung Quốc tính năng cao hơn Patriot và S-300?


Người Trung Quốc đồng ý chuyển giao các kỹ thuật toàn diện cho Thổ Nhĩ Kỳ, từ chế tạo linh kiện, dây chuyền sản xuất đến công nghệ điều khiển. Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá cao nhất là công nghệ trinh sát, phát hiện và dẫn đường bằng vệ tinh. Thông qua hợp tác với Trung Quốc, các nhà chế tạo vũ khí Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tích lũy được kinh nghiệm trong lĩnh vực này, giảm bớt sự phụ thuộc vào nước ngoài.

Nguyên nhân thứ 3 là do yếu tố chính trị. Trong quá khứ, Thổ Nhĩ Kỳ đã từng ngỏ ý mua rất mua các hệ thống phòng không của Mỹ nhưng đã bị Quốc hội nước này phản đối. Ngoài ra họ cũng đề đạt nguyện vọng mua máy bay tấn công không người lái MQ-1 Predator, nhưng cũng không được Quốc hội Mỹ phê chuẩn. Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã chuyển hướng sang các nhà xuất khẩu vũ khí khác, không cần phải dài cổ đợi Quốc hội Mỹ phê duyệt rồi gạt bỏ.

Khi phóng viên của “Kommersant” hỏi về vấn đề liệu hệ thống tên lửa phòng không Trung Quốc có hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ về an ninh quốc gia, ông Sander Keller cho biết, hệ thống HQ-9 hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu này. Cuối cùng, ông chỉ ra nguyên nhân thứ 4 là, nếu lựa chọn các hệ thống của NATO, Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ phải chịu nhiều chế ước, đặc biệt là vấn đề mối quan hệ thù địch giữa họ và Israel.

Thổ Nhĩ Kỳ mua HQ-9 để đề phòng chiến tranh với Israel? ảnh 2

Thổ Nhĩ Kỳ sợ NATO sẽ “bênh” Israel để ngăn cản hệ thống phòng không của họ tấn công máy bay Israel? (Ảnh: Máy bay chiến đấu F-16 của Israel)


Ông Keller cho rằng, một khi Thổ Nhĩ Kỳ và Israel xung đột quân sự, Mỹ không bao giờ để Israel lâm vào vòng nguy hiểm, NATO có thể thông qua điều khiển xa để ngăn cản họ khởi động các hệ thống tên lửa phòng không của mình để đánh trả các máy bay chiến đấu Israel. Vì vậy, Ankara hy vọng có thể sở hữu và sử dụng một hệ thống phòng không độc lập và đáng tin cậy, có khả năng tự bảo vệ cho mình, không bị lệ thuộc vào bất cứ nước nào.

Ông Keller phân tích, phương Tây rất không hài lòng với quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ, điều này cũng đem lại cho Ankara rất nhiều phiền phức và nó đã xuất hiện ngay khi họ đưa ra quyết định. Mỹ và NATO kiên quyết cho rằng, HQ-9 không thể tích hợp với hệ thống phòng không tập thể của NATO, tuy nhiên, điều này không phải là không có cách giải quyết. Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc có thể xây dựng các phần mềm để tích hợp hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 vào hệ thống phòng không nước mình.

Ông Keller nhấn mạnh, luật pháp quốc tế không có bất cứ điều khoản nào cấm nước này mua sắm các hệ thống phòng không do Trung Quốc sản xuất. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, hiện nay hai bên mới có các thỏa thuận hợp tác, trước khi đạt thành một hợp đồng chính thức, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có thể xem xét lại các đề nghị của phía Trung Quốc.