Thiếu tướng Đào Thanh Hải: Phạm pháp hình sự giảm chưa từng có do công an chính quy xuống xã

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN -Thảo luận tại tổ về Dự án Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, ĐBQH, Thiếu tướng Đào Thanh Hải - Phó Giám đốc CATP Hà Nội cho rằng, sau khi triển khai công an chính quy về xã, tại Hà Nội, phạm pháp hình sự giảm chưa từng có, trên 20,6%, chủ yếu ở huyện ngoại thành.

Cũng theo Thiếu tướng Đào Thanh Hải, việc ban hành Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở xuất phát từ thực tế cần bố trí lại lực lượng công an nhân dân để đảm bảo an ninh trật tự trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Thiếu tướng Đào Thanh Hải còn cho biết, vừa qua Bộ Công an đã triển khai công an chính quy về công an xã trên địa bàn toàn quốc. Tại Hà Nội, Công an Thành phố đã bố trí công an chính quy 383/383 xã với hơn 2500 cán bộ chiến sỹ. Lực lượng này đã phát huy hiệu quả.

Qua thống kê, phạm pháp hình sự giảm chưa từng có, trên 20,6%, chủ yếu ở huyện ngoại thành, tạo lòng tin nhân dân vào cấp ủy chính quyền xã trong đảm bảo ANTT. Thực tế, lực lượng công an chính quy bố trí xuống xã không có sự ảnh hưởng tác động của làng bản, dòng họ, có trình độ chuyên môn cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.

Thiếu tướng Đào Thanh Hải phát biểu thảo luận

Thiếu tướng Đào Thanh Hải phát biểu thảo luận

Tuy nhiên, việc bố trí công an chính quy xuống xã theo nguyên tắc không bố trí CBCS là người tại địa phương, nơi sinh ra và lớn lên, 100% công an xã chính quy đến từ địa phương khác, bước đầu không am hiểu địa bàn, về về văn hóa, đời sống người dân, trong đó công an xã bán chuyên trách lại nắm vững các thông tin này.

“Trước đây tôi phụ trách điều tra trọng án ở phòng CSHS, khi trọng án xảy ra, tôi xuống gặp công an xã họ đã giúp điều tra án rất nhanh, hỏi bất cứ ai ở đâu, làm gì họ nắm đủ thông tin” – Thiếu tướng Đào Thanh Hải nêu ví dụ.

Công an chính quy xuống xã bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu nhưng lực lượng còn mỏng như ở xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất có diện tích gần 40 km2 (bằng 4 quận nội thành) nhưng chỉ có 5 đồng chí tuần tra kiểm soát cả ngày cả đêm không đủ sức, việc phân trực chia làm 2 ca cũng rất vất vả. Lực lượng này đang cố gắng khắc phục hoàn cảnh hoàn thành nhiệm vụ.

“Bên cạnh đó, công an bán chính quy đã được đào tạo đầy đủ nhưng phụ cấp thấp, sau khi công an chính quy xuống xã đã có trên 20% công an xã bán chính quy xin nghỉ. Nếu luật này không ra đời sẽ rất khó khăn cho họ. Chúng tôi vô cùng mong mỏi sớm có luật để động viên lực lượng này bảo vệ ANTT cơ sở" - Thiếu tướng Đào Thanh Hải nhấn mạnh.

Việc ban hành luật này sẽ góp phần giúp lực lượng này có chế độ bảo hiểm y tế, khi bị thương, hi sinh có chế độ rõ ràng. Trước băn khoăn của một số đại biểu về trụ sở tăng, Thiếu tướng Đào Thanh Hải khẳng định, thực tế không tăng vì ở địa phương đã có trụ sở công an xã nên họ làm việc tại đó, không có việc xây thêm trụ sở.

Ngoài ra, trang thiết bị quần áo, mũ áo, công cụ hỗ trợ cũng có sẵn, số lượng lực lượng này cũng không tăng. Luật ra đời chỉ là gom 3 lực lượng vào 1 để thống nhất toàn quốc, hoạt động đúng chức năng nhiệm vụ. Hơn nữa, sau khi có luật, một lực lượng sẽ làm nhiều nhiệm vụ, từ phối hợp tuần tra kiểm soát, đảm bảo trật tự ATGT, PCCC, tuyên truyền pháp luật, nắm người nắm vụ...

“Việc bảo vệ ANQG để phát triển kinh tế xã hội là hết sức cấp bách, giống như việc xây dựng Luật Dân quân tự vệ trong thời bình nhưng vẫn rất cần thiết” - Thiếu tướng Đào Thanh Hải phát biểu