Thiểu phát chưa đáng lo

ANTĐ - Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2014 tiếp tục tăng thấp, là tín hiệu khả quan để cả năm CPI sẽ tăng thấp hơn theo chỉ tiêu 7% của Quốc hội đề ra. Tốc độ tăng này thấp nhất từ năm 2004 đến nay và tăng chậm lại trong 4 năm qua. CPI tăng thấp có nguyên nhân do giá nhập khẩu tính bằng USD giảm, do tổng cầu tăng thấp hơn cung và tốc độ tăng số dư tiền gửi tiếp tục cao gấp nhiều lần tốc độ tăng tín dụng. 

Theo Cục Quản lý giá, giá cả hàng hóa, dịch vụ có thể chịu áp lực tăng do giá dịch vụ khám chữa bệnh tại TP.HCM tăng. Đây là địa phương có “trọng lượng” lớn khi tính CPI trong rổ hàng hóa nên sẽ tác động mạnh đến CPI cả nước. Trong khi đó, thời tiết đang vào cao điểm nắng nóng, nhu cầu tiêu dùng một số mặt hàng thời vụ có chiều hướng tăng cùng với nhu cầu điện, nước sinh hoạt. Diễn biến căng thẳng ở Biển Đông cũng gián tiếp ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu và giá cả một số nguyên vật liệu phụ trợ. Dưới góc độ của giới chuyên gia thị trường, CPI tăng thấp nhất trong hơn 10 năm qua, nhưng chưa thể coi là thiểu phát. Bằng chứng là CPI tính theo năm của nước ta vẫn còn cao gấp đôi so với mức bình quân của các chỉ số tương ứng của các nền kinh tế phát triển. Xét về nguyên nhân sâu xa, CPI tăng thấp không phải do cung tăng lên mà do cầu tăng chậm lại và cũng không phải do hiệu quả đầu tư, năng suất tăng cao. Đây là sự đánh giá rất quan trọng, vì nó là cơ sở để đề ra các giải pháp quản lý điều hành trong thời gian tới và trong việc xây dựng kế hoạch năm 2015. Khi CPI tăng thấp, với các yếu tố tài chính tiền tệ, tín dụng có hiệu ứng phụ tới tăng trưởng hợp lý theo mục tiêu, thì việc tháo gỡ khó khăn đối với tăng trưởng tín dụng là cần thiết, cấp bách.

Theo phân tích của một số chuyên gia, khó khăn trong tăng trưởng tín dụng là một loạt rào cản như nợ xấu của ngân hàng còn cao, tồn kho của doanh nghiệp chưa giảm do tiêu thụ chậm, sức mua có khả năng thanh toán của người dân vẫn thấp. Do chưa phải là thiểu phát nên chưa cần kích cầu, mà chỉ cần có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, hỗ trợ thị trường, trong đó có việc tăng trưởng tín dụng để các doanh nghiệp tiếp cận được vốn. Nếu kích cầu vào lúc này sẽ cộng hưởng với một số yếu tố như tăng tỷ giá VND/USD 1% và có khả năng tăng tiếp từ nay đến cuối năm, chắc chắn sẽ làm tăng giá hàng nhập khẩu khi tính bằng VND. Mặc dù thiểu phát chưa đáng lo, song các chuyên gia khuyến nghị, không nên tăng trưởng tín dụng cao dồn vào cuối năm. Đặc biệt, tránh tình trạng “giật cục, dồn toa” lộ trình điều tiết giá thị trường với một số hàng hóa, dịch vụ, bởi vì sẽ gây ra “phản ứng phụ” với các loại hàng hóa khác và cộng hưởng với tâm lý của người dân.