Thị trường game di động tăng trưởng mạnh mùa Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chưa bao giờ người tiêu dùng dành thời gian cho chiếc điện thoại lại nhiều như những năm qua, đặc biệt là năm 2020 và 2021 trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong đó, game online được tìm đến nhiều nhất.

Theo báo cáo “Ứng dụng di động 2021” do công ty về giải trí số Appota công bố mới đây, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, người dân buộc phải giãn cách xã hội nên việc chơi game di động trở nên phổ biến, hút nhiều người chơi mới.

Báo cáo cho biết, trong năm 2020, các khách hàng đã dành tổng cộng 168 triệu USD cho việc trả phí mua các ứng dụng game di động trên kho tải CH Play và App Store. Điện thoại thông minh là thiết bị chơi game phổ biến nhất tại Việt Nam với tỷ lệ 85%, trong khi laptop/PC chỉ chiếm 45%. Trong đó, có tới 87% các trò chơi di động tại Việt Nam sử dụng có chứa quảng cáo khiến đây vẫn là hình thức thương mại hóa phổ biến nhất.

Còn theo báo cáo của Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), doanh thu của ngành công nghiệp game online đã tăng từ 4,968 nghìn tỷ đồng của năm 2015 lên mức 11,5 nghìn tỷ đồng năm 2019 và dự báo tăng trưởng năm 2020 là 12 nghìn tỷ đồng. Thị trường game di động chứng kiến tăng trưởng 40% doanh thu qua kho tải, lượt tải và số lượng game ra mắt cũng tăng mạnh so với 2019, dự đoán có thể đạt con số 205 triệu USD vào năm 2021.

Trò chơi thể thao điện tử eSports phát triển mạnh mẽ nhất. Theo khảo sát của Appota có tới 80% người chơi giành thêm thời gian cho các nội dung eSports trong giai đoạn giãn cách xã hội. Cụ thể, trung bình người chơi dành 2 giờ 55 phút mỗi ngày để chơi các trò chơi eSports, số thời gian trung bình để xem livestream hoặc các giải đấu eSport là 2 giờ 10 phút.

Đây được coi là cơ hội cho các nhà phát hành game tại Việt Nam nắm bắt cơ hội để đẩy mạnh phát hành những game chất lượng để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho ngành game được đi xa hơn tại Việt Nam, cần có những chính sách hạn chế game lậu, game không giấy phép. Công tác quản lý cần mạnh tay và xử phạt triệt để hơn nữa đối với những cá nhân, tổ chức có hành vi phát hành game trái pháp luật để ngăn ngừa và giảm bớt tác hại của các game không phép độc hại đang tràn vào thị trường game Việt.