Thị trường “chợ đen” vaccine Covid-19 ở Philippines

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhu cầu tăng vọt của công nhân Trung Quốc, nhất là khi nhiều người trong số đó đang làm việc tại các sòng bạc trực tuyến ở Philippines, đang là nguyên nhân thúc đẩy “chợ đen” - nơi các liều vaccine được bán với giá cao gấp nhiều lần mức tiêu chuẩn 30USD ở Trung Quốc. Thị trường ngầm này có nguy cơ gây mất ổn định cho quá trình phân phối vaccine ở quốc gia Đông Nam Á này.
Người dân Philippines phải bước qua buồng tẩy trùng khi vào nghĩa trang ở Thủ đô Manila hồi tháng 10-2020

Người dân Philippines phải bước qua buồng tẩy trùng khi vào nghĩa trang ở Thủ đô Manila hồi tháng 10-2020

Vaccine lậu bị “thổi” giá

Cuối tháng 12-2020, cô gái trẻ Jesse (người Philippines) vừa mới vào làm cho một công ty sòng bài trực tuyến cho người nước ngoài. Tình cờ, cô bắt gặp nhóm trò chuyện trên mạng thảo luận chi tiết về kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 cho các đồng nghiệp Trung Quốc. “Khi đi tiêm chủng phải mặc áo dài tay. Không được phép nói bất cứ điều gì với các nhân viên khác” - Jesse kể về những điều mình biết. Theo tiết lộ trong nhóm, những người này sẽ được tiêm vaccine Pfizer được vận chuyển đến từ Trung Quốc.

Philippnes hiện chưa có vaccine Covid-19 nào được chấp thuận để sử dụng phổ biến. Quốc gia này mới chỉ phê duyệt vaccine để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Việc nhập khẩu dược phẩm trái phép là bất hợp pháp, nhưng trên thực tế vẫn tồn tại “chợ đen” vaccine, nơi chúng được bán cao gấp nhiều lần giá ban đầu. Bà Teresita Ang See - một lãnh đạo Hiệp hội công dân Philippines - Trung Quốc cho biết, ước tính 100.000 người Trung Quốc ở Philippines đã được tiêm phòng (theo trích dẫn quảng cáo trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc và thông tin từ các nhóm trò chuyện của nhân viên ngành sòng bài). Theo dữ liệu nhập cư tính đến tháng 9-2020, gần 500.000 công dân Trung Quốc đã ở Philippines. Bà Teresita Ang See nói rằng, vaccine có thể bán với giá từ 200 đến 300 USD trên “chợ đen”.

Vaccine lậu không chỉ lưu hành trong nhóm công dân Trung Quốc, cuối tháng 12-2020, một số binh sĩ Philippines đã tiêm vaccine Covid-19 từ Sinopharm - một công ty dược phẩm quốc doanh Trung Quốc. Các thành viên trong nhóm an ninh bảo vệ Tổng thống Rodrigo Duterte cũng thừa nhận rằng, họ đã tiêm phòng vaccine Covid-19. Đáng nói, vaccine của Sinopharm đã được chấp thuận để sử dụng phổ biến ở Trung Quốc, nhưng chưa phải ở Philippines. Không rõ bằng cách nào mà vaccine lại rơi vào tay những cận vệ của ông Duterte. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana xác nhận với truyền thông địa phương là vaccine đó được nhập lậu, nhưng biện minh rằng điều này là “hợp lý” vì đội an ninh của Duterte có nhiệm vụ phải đảm bảo an toàn cho nhà lãnh đạo 75 tuổi. Ông Harry Roque - Phát ngôn viên của Tổng thống cho biết, vaccine này là từ nguồn tài trợ, nhưng không nói rõ nguồn gốc.

Trong một bài phát biểu ngày 4-1, ông Duterte yêu cầu nhóm an ninh của mình “im lặng” và không hợp tác nếu các nhà lập pháp của Thượng viện điều tra vụ việc. Chủ tịch Thượng viện Vicente Sotto sau đó cho biết, vấn đề này không nằm trong chương trình nghị sự. Thực trạng này đặt ra nghi vấn về quy mô phân phối vaccine bất hợp pháp ở Philippines và làm thế nào những người ở vị trí quyền lực có thể tiêm phòng trước các nhân viên y tế tuyến đầu.

Nguồn gốc mịt mờ, đường đi lắt léo

Báo động trước việc các nhân vật cấp cao sử dụng vaccine chưa được phê duyệt, các quan chức Bộ Y tế cùng Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Philippines đã tổ chức một cuộc họp báo vào ngày 29-12-2020. Tại đó họ nhắc lại rằng, việc nhập khẩu, phân phối hoặc quảng cáo vaccine trái phép là bất hợp pháp. Bà Andrea Domingo - Chủ tịch Tổng Công ty trò chơi và giải trí Philippine cho biết, bà không có thông tin gì về việc các nhà điều hành sòng bạc trực tuyến tiêm chủng cho nhân viên của họ và việc này nên được coi như một vấn đề do cơ quan thực thi pháp luật quản lý.

Ông Jesus Durante - người đứng đầu nhóm an ninh của Tổng thống Duterte khi trả lời đài truyền hình địa phương ABS-CBN vẫn giữ quan điểm vaccine mà họ mua được là an toàn. Các công dân Trung Quốc cũng nói rằng, rủi ro chỉ xảy ra khi bảo quản sai cách hoặc sử dụng không đúng hướng dẫn. Bởi vậy, bà Ang See cho rằng, rất có thể cung cấp vaccine cho các quan chức an ninh của ông Duterte và công dân Trung Quốc làm việc tại Philippines chỉ từ một đầu mối.

Một doanh nhân (giấu tên vì lý do an ninh) có trụ sở tại Philippines nói với tờ Washington Post rằng, ông đã được các doanh nhân Trung Quốc trong ngành cờ bạc trực tuyến tiếp cận về việc cung cấp vaccine Sinopharm cho nhân viên. Theo đó, quá trình này đòi hỏi người mua khai báo vaccine nhập lậu là thực phẩm chức năng trước khi hải quan dán nhãn lại lô hàng cho phù hợp và cho phép nhập khẩu. Các nhà phân phối địa phương sẽ phải đồng ý chịu trách nhiệm pháp lý và ký vào giấy từ bỏ cam kết không bán lại vaccine. Nhưng một phát ngôn viên của Cục Hải quan Philippines từ chối bình luận với lý do: “Sự việc đang được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Philippines cùng Cục Điều tra quốc gia tiếp tục điều tra”.

Quan chức Philippines không tiết lộ các cận vệ của Tổng thống R.Duterte được tiêm vaccine Covid-19 nào và nguồn gốc từ đâu

Quan chức Philippines không tiết lộ các cận vệ của Tổng thống R.Duterte được tiêm vaccine Covid-19 nào và nguồn gốc từ đâu

Ngoại giao vaccine

Philippines là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất của đại dịch Covid-19 ở Đông Nam Á khi có hơn nửa triệu người mắc bệnh và gần 10.000 ca tử vong. Chính phủ nước này hôm 18-1 cho biết, họ đã đặt mua 25 triệu liều vaccine Covid-19 của Sinovac và lô ban đầu gồm 50.000 liều sẽ đến tay khách hàng vào tháng 2-2021. Sau khi vaccine của Pfizer được phê duyệt để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, nước này cũng đang đàm phán với các nhà sản xuất vaccine khác, bao gồm cả AstraZeneca và Moderna, vốn đang chờ phê duyệt theo quy định.

Dư luận chỉ trích chính quyền Trung ương thiếu kế hoạch bài bản và làm ngơ trước những hành động bất hợp pháp, tiềm ẩn nguy hiểm liên quan đến vaccine nhập lậu. Nhiều người cho rằng, tốc độ phân phối vaccine chậm chạp là vũ khí cho những nhà kinh doanh vô lương tâm và tham lam lách luật vì nhu cầu thị trường tăng cao. Bà Risa Hontiveros - Thượng nghị sĩ đảng đối lập thúc giục Bắc Kinh điều tra việc đưa vaccine trái phép vào Philippines. “Với lợi thế về an ninh và giám sát, nhà chức trách Trung Quốc không thể không biết ai đứng đằng sau những loại vaccine chợ đen này” - bà Risa nói hôm 18-1.

Ở các quốc gia Đông Nam Á, hàng triệu người lao động là người Trung Quốc, vậy nên việc nhóm này có điều kiện để được tiêm vaccine trước cũng có nguy cơ làm gia tăng sự bất bình lâu dài giữa các công dân Trung Quốc với cộng đồng địa phương. Bất bình nổi lên khi những người Philippines đang phải chiến đấu trên mặt trận chống lại đợt bùng phát dịch tồi tệ nhất trong khu vực, nhưng họ lại không được tiếp cận với vaccine. Reigner Antiquera - Chủ tịch Liên minh những người ủng hộ và lãnh đạo y tá trẻ cho biết: “Hết lần này đến lần khác, các nhân viên y tế đang bị bỏ bê. Họ lẽ ra phải được ưu tiên tiêm các loại vaccine này vì là những người có nguy cơ cao nhất khi tiếp xúc với virus”.

Khi triển khai vaccine trong nước, Bắc Kinh cho biết họ cũng ưu tiên quyền tiếp cận cho các công dân đang làm việc ở nước ngoài trong các lĩnh vực quan trọng như quân nhân, ngoại giao, xây dựng, hàng không, sinh viên quốc tế. Nhưng việc phân phối vaccine Trung Quốc trên khắp các quốc gia đang phát triển đã làm dấy lên nghi ngờ rằng, Bắc Kinh có thể sử dụng vaccine để làm đòn bẩy chính trị ở những khu vực mà họ đang cố gắng mở rộng ảnh hưởng. Ông Ronald Mendoza - Hiệu trưởng Trường Quản lý của Đại học Ateneo de Manila nhận định: “Ngoại giao vaccine có nghĩa là sử dụng vaccine để mua lại sự ủng hộ từ các chính trị gia thân thiện với Trung Quốc”. Về phía Bắc Kinh, trong một bản ghi nhớ ngày 31-10-2020, Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila nhắc nhở công dân của mình “cảnh giác trước những tin đồn và không tiêm vaccine trái phép để tránh bị lừa đảo và gây nguy hiểm cho cá nhân”.

Khi triển khai vaccine trong nước, Bắc Kinh cho biết họ cũng ưu tiên quyền tiếp cận cho các công dân đang làm việc ở nước ngoài trong các lĩnh vực quan trọng. Nhưng việc phân phối vaccine Trung Quốc trên khắp các quốc gia đang phát triển đã làm dấy lên nghi ngờ rằng Bắc Kinh có thể sử dụng vaccine để làm đòn bẩy chính trị ở những khu vực mà họ đang cố gắng mở rộng ảnh hưởng.