Rất đông người tình nguyện đăng ký tiêm thử nghiệm vaccine phòng Covid-19 thứ hai do Việt Nam sản xuất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sáng nay, 21-1, vaccine phòng Covid-19 thứ hai của Việt Nam mang tên Covivac đã chính thức được khởi động thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 trên người, sớm hơn gần 2 tháng so với kế hoạch ban đầu.
Rất đông sinh viên tình nguyện đăng ký tiêm thử nghiệm vaccine COVIVA

Rất đông sinh viên tình nguyện đăng ký tiêm thử nghiệm vaccine COVIVA

Lễ khởi động chương trình nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine COVIVAC do Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC) trực thuộc Bộ Y tế sản xuất, được tổ chức tại Trường Đại học Y Hà Nội.

Đây là vaccine phòng Covid-19 thứ 2 sản xuất tại Việt Nam (sau vaccine NanoCovax của công ty Nanogen) đang thực hiện thử nghiệm trên người.

Ông Dương Hữu Thái - Viện trưởng IVAC cho biết, vaccine COVIVAC là vaccine dạng dung dịch có hoặc không có tá chất bổ trợ, không có chất bảo quản, với công nghệ sản xuất là vaccine vector Newcastle (NDV), gắn gen biểu hiện Protein S của virus SARS-CoV-2 dựa trên công nghệ sản xuất trên trứng gà có phôi. Công nghệ này cũng được sử dụng để sản xuất vaccine dự phòng cúm mùa đang lưu hành tại Việt Nam.

Ngay tại lễ khởi động, đơn vị triển khai thử nghiệm lâm sàng vaccine COVIVAC trên người đã thông báo tuyển tình nguyện viên tham gia tiêm thử nghiệm giai đoạn 1.

Cụ thể, ở giai đoạn thử nghiệm đầu tiên, dự kiến sẽ tiến hành tuyển chọn 120 người tình nguyện là người khỏe mạnh, chia thành 05 nhóm: 03 nhóm vaccine không có tá chất với các mức liều 1 mcg, 3 mcg, 10 mcg; 01 nhóm vaccine mức liều 1 mcg có bổ sung tá chất và nhóm giả dược (placebo).

Người tình nguyện tham gia nghiên cứu sẽ được tiêm 2 mũi (tiêm vaccine hoặc tiêm giả dược) cách nhau 28 ngày. Dự kiến, người tình nguyện đầu tiên sẽ được tiêm vaccine thử nghiệm vào tháng 02/2021.

Tình nguyện viên tham gia thử nghiệm giai đoạn 1 tuổi từ 18 đến 59, khỏe mạnh, không mắc bệnh nền và được sàng lọc kỹ, cùng những tiêu chí đặc thù khác. Giai đoạn 1 sẽ kết thúc vào tháng 4-2020.

Sau khi thu thập được kết quả nghiên cứu giai đoạn 1 vào ngày 43 của tất cả những người tình nguyện, nếu vaccine cho thấy đạt các tiêu chuẩn về an toàn và tạo được miễn dịch có khả năng phòng bệnh thì sẽ tiếp tục triển khai nghiên cứu giai đoạn 2 với cỡ mẫu lớn hơn.

Trước đó, IVAC dự kiến thử nghiệm lâm sàng vào tháng 3/2021. Như vậy, tiến độ nghiên cứu của IVAC nhanh hơn dự kiến gần 2 tháng.