Thị trường bất động sản “ấm” lên, xử lý nợ xấu các ngân hàng có tín hiệu tích cực

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Báo cáo tài chính của các ngân hàng cho thấy, thu hồi nợ xấu từ các ngân hàng có dấu hiệu cải thiện khi thị trường bất động sản ấm lên.

Thu hồi nợ xấu có dấu hiệu tích cực

Báo cáo phân tích ngành ngân hàng do VPBankS thực hiện mới đây cho biết, khoản mục "thu nhập khác" của các ngân hàng quốc doanh – gồm các khoản thu hồi nợ đã xóa sổ - cho thấy tín hiệu tích cực từ thị trường bất động sản.

Lịch sử cho thấy khoản thu nhập từ xử lý nợ xấu thường phản ánh sức khỏe của thị trường bất động sản (nơi tài sản thế chấp tập trung nhiều). Báo cáo tài chính kiểm toán 2024 công chi tiết về khoản mục "thu nhập từ hoạt động khác" trong báo cáo kết quả kinh doanh, từ đó giúp đánh giá chính xác hiệu quả thu hồi nợ xấu.

Dù báo cáo Quý I/2025 chưa được kiểm toán, các khoản mục "thu nhập khác" của ngân hàng quốc doanh đã cho thấy dấu hiệu vẫn có giá trị tham khảo mặc dù có thể chưa phản ánh đầy đủ so với các ngân hàng tư nhân.

Nhiều ngân hàng đã có tín hiệu cải thiện trong xử lý nợ xấu

Nhiều ngân hàng đã có tín hiệu cải thiện trong xử lý nợ xấu

Trong năm tài chính 2024, thu nhập từ xử lý nợ xấu chiếm đến 84% thu nhập khác của Vietcombank, 88% của BIDV và 79% của VietinBank. Đây cũng là 3 ngân hàng có quy mô bảng cân đối kế toán lớn nhất trong nhóm 11 ngân hàng phân tích.

Trong quý I/2025, khoản mục này của ba ngân hàng quốc doanh niêm yết tăng đến 51% so với cùng kỳ và tăng 2 điểm cơ bản khi tính theo tỷ lệ trên dư nợ cho vay.

Cùng đánh giá, SSI Reseach cho rằng thanh khoản thị trường bất động sản dù giảm so với quý trước nhưng vẫn cải thiện đáng kể so với quý I/2024 (tăng 70-72% so với cùng kỳ tại thị trường bất động sản Hà Nội) đã giúp các ngân hàng đẩy mạnh hoạt động thanh lý tài sản đảm bảo và các khoản thu từ nợ xấu đã xử lý.

Tăng trưởng từ nguồn thu nhập này đã bù đắp cho mức giảm của thu nhập từ phí dịch vụ cũng như sự chững lại của lợi nhuận từ giao dịch ngoại hối và kinh doanh trái phiếu.

Tuy nhiên, nợ xấu vẫn gia tăng

Dù vậy, các phân tích cho thấy chất lượng tài sản vẫn chịu áp lực. Do trong quý I/2025 không có nhiều tiến triển đối với những dự án bất động sản chưa hoàn thiện về mặt pháp lý và thanh khoản vẫn còn trầm lắng tại thị trường bất động sản TP.HCM, các chuyên gia SSI Reseach cho rằng một phần các khoản cho vay mua nhà liên quan đã bị chuyển nhóm thành nợ xấu tại một số ngân hàng TMCP.

Trong khi đó, các NHTM Nhà nước bị ảnh hưởng bởi việc cơ cấu khoản vay đối với một số doanh nghiệp trong lĩnh vực vật liệu xây dựng.

Theo đó, tỷ lệ hình thành nợ xấu của 24 ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu của SSI Reseach tăng lên 2,46% (so với 0,55% trong quý trước), gần về mức đỉnh 2,58% trong quý I/2023.

Các khoản vay quá hạn tăng 11,6% so với quý trước, đến từ cả nợ Nhóm 2 (+2,8% so với quý trước) và nợ xấu (+20,4% so với quý trước).

Tỷ lệ nợ xấu tăng vọt lên 2,02% (tăng 29 điểm cơ bản, tương đương tăng 34,7 nghìn tỷ đồng so với quý trước) mặc dù các ngân hàng đã xóa 26,6 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Điểm đáng chú ý trong quý là các ngân hàng không quá tích cực trong việc trích lập dự phòng nợ xấu mặc dù chất lượng tài sản suy giảm thể hiện ở việc chi phí tín dụng không tăng đồng bộ với tốc độ hình thành nợ xấu. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm còn 88,7%, đánh dấu mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua.

Tuy nhiên, với môi trường lãi suất thấp và các phương án cơ cấu hỗ trợ khách hàng từ phía ngân hàng, SSI Reseach cho rằng tỷ lệ nợ xấu sẽ đạt đỉnh trong nửa đầu năm 2025 trước khi giảm dần vào nửa cuối năm 2025.

Tương tự, VPBankS cho biết, chi phí dự phòng của 11 ngân hàng trong phạm vi phân tích đạt mức 0,24% dư nợ cho vay trong quý I/2025, so với mức 0,30% của quý I/2024. Điều này cho thấy các ngân hàng Việt Nam đang trích lập dự phòng thấp so với rủi ro tiềm ẩn, dù việc áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS là chuyển sớm muộn.

Các ngân hàng ghi nhận mức giảm mạnh nhất về chi phí dự phòng theo năm bao gồm Vietcombank, Sacombank, TPBank, VIB.

Tuy nhiên, việc giảm chi phí dự phòng chủ yếu nhằm bù đắp cho mức tăng trưởng yếu kém của thu nhập hoạt động (TOI). Vì vậy, VPBankS cho rằng, thay vì nhìn vào lợi nhuận sau thuế, hiện tại TOI là chỉ số phản ánh rõ hơn thực chất hoạt động của ngành hàng.

Các ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng TOI hai chữ số trong quý I/2025 bao gồm: HDBank (riêng lẻ), VPBank (riêng lẻ), MB và Sacombank.