Thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025: Thí sinh không được thi quá 2 môn tự chọn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của học sinh, trong đó đặc biệt lưu ý tới những học sinh học theo chương trình GDPT 2006 chưa đỗ tốt nghiệp THPT.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT giải đáp các vấn đề liên quan đến phương thức thi tốt nghiệp THPT 2025

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT giải đáp các vấn đề liên quan đến phương thức thi tốt nghiệp THPT 2025

Chiều 29-11, Bộ GD-ĐT đã chính thức công bố phương án tổ chức Kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Theo đó, Bộ GD-ĐT đã ký quyết định ban hành phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với 4 môn thi.

Trong đó, thí sinh thi bắt buộc môn Ngữ văn, môn Toán và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).

Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ được tổ chức trên toàn quốc theo cách thức chung đề, chung đợt thi, cùng thời gian theo quy định của Bộ GD-ĐT. Thời gian tổ chức thi vẫn nằm trong tháng 6 như mọi năm.

Phương thức xét công nhận tốt nghiệp là kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp theo tỷ lệ phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình GDPT 2018.

Một trong những vấn đề khiến nhiều phụ huynh học sinh quan tâm là những học sinh học theo chương trình GDPT 2006 có thiệt thòi khi phải thi lại tốt nghiệp cùng học sinh học theo chương trình GDPT 2018 vào năm 2025.

Sẽ có 2 nội dung thi tốt nghiệp theo chương trình GDPT 2006 và 2018

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, việc đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của học sinh, trong đó đặc biệt lưu ý tới những học sinh học theo chương trình GDPT 2006 bị trượt tốt nghiệp.

Theo đó, cơ quan Bộ sẽ tham mưu nghiên cứu và có thể đề xuất kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ có hai nội dung theo 2 chương trình GDPT 2006 và 2018 dù có thể tốn kém hơn.

Ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết, nguyên lý chung là học chương trình nào thi theo chương trình đó, Bộ sẽ tính toán để các em chưa tốt nghiệp THPT năm 2024 thi theo nội dung chương trình GDPT 2006 thay vì theo nội dung chương trình GDPT 2018.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Ngọc Hà cho biết, với mô hình thống nhất là 2+2 thì phương thức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 chưa cho phép học sinh lựa chọn thêm các môn thi khác theo nguyện vọng xét tuyển đại học với nhiều tổ hợp.

Lý do là số lượng học sinh thi nhiều hơn 2 môn lựa chọn không nhiều. Bên cạnh đó, việc học nhiều môn để thi nhiều tổ hợp sẽ gây lãng phí.

Do vậy, trước mắt Bộ vẫn lựa chọn thực hiện phương thức 2+2 để đáp ứng yêu cầu giảm tốn kém cho xã hội và người học.

Môn Ngoại ngữ có bị xem nhẹ?

GS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT nhấn mạnh tuy chỉ thi 4 môn thì Bộ vẫn phải chuẩn bị tất cả 18 môn thi, khối lượng công việc sẽ cao hơn nhiều khi phải tổ chức những môn lần đầu tiên tổ chức trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 như môn tin học, công nghệ…

Sau khi công bố Phương án tổ chức Kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Bộ GDĐT sẽ ban hành kế hoạch chi tiết để triển khai Phương án này đảm bảo yêu cầu và tiến độ đề ra như việc công bố cấu trúc đề thi, đề thi minh họa kỳ thi 2025…

Dự kiến Bộ sẽ công bố trong quý IV năm nay.

Liên quan đến việc bỏ bắt buộc thi môn Ngoại ngữ với 7 thứ tiếng, GS Huỳnh Văn Chương khẳng định điều này không đồng nghĩa với việc xem nhẹ bộ môn ngoại ngữ.

“Quan điểm của Bộ GD-ĐT là xem các môn học quan trọng như nhau. Bên cạnh đó, thí sinh không bắt buộc nhưng vẫn được lựa chọn thi môn ngoại ngữ.

Ngoài ra, việc học ngoại ngữ là môn bắt buộc từ lớp 3, có đánh giá, kiểm tra trong suốt các năm phổ thông. Đây là cơ sở quan trọng nhất để đảm bảo chất lượng bộ môn này.