- Đối đầu thương mại với Mỹ, Trung Quốc muốn hợp tác với châu Âu
- Mỹ "dọa" đánh thuế 450 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, giá vàng "nằm im" nghe ngóng
Ngày 9-7, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2018.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm 2018, sản lượng sản xuất sắt thép thô; thép cán; thép thanh, thép góc tăng lần lượt là 43,7%; 5,3% và 16% so với cùng kỳ năm trước.
Dự báo ngành thép 2018 sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với mức tăng khoảng 20% so với năm 2017. Trong đó, sản xuất thép xây dựng tăng trưởng 10%, thép lá cuộn cán nguội tăng 5%, thép ống hàn tăng 15% và sản xuất tôn mạ và sơn phủ màu tăng 12%.
"Đặc biệt, sản xuất thép cuộn cán nóng tăng mạnh nhất 154% so với năm ngoái nhờ vào việc Formosa Hà Tĩnh dự định tăng gấp đôi công suất sản xuất khi đưa lò cao số 2 (công suất 4 triệu tấn/năm) đi vào sản xuất trong 6 tháng cuối năm 2018 giúp nâng tổng công suất của Fomosa lên 7 – 8 triệu tấn/năm"- đại diện Bộ Công Thương cho hay.
Bên cạnh đó, một số dự án dự kiến được đưa vào hoạt động trong năm nay. Cụ thể, Tập đoàn Hòa Phát đưa vào hoạt động dự án thép cán khoảng 600 nghìn tấn trong tháng 8-2018; Tập đoàn Hoa Sen đưa thiết bị dây chuyền cán nguội, mạ kẽm/lạnh, mạ màu vào hoạt động với công suất 350 nghìn tấn; công ty Tung Ho cũng dự kiến đưa vào dây chuyền sản xuất công suất 600 nghìn tấn thép xây dựng trong 6 tháng cuối năm.
Với hàng loạt dự án thép công suất lớn sắp đi vào hoạt động như trên, ngành thép trong nước không lo thiếu nguồn cung.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đã "khai hỏa" cuộc chiến thương mại, ngành thép Việt Nam đứng trước nhiều nguy cơ, mà đáng kể nhất là việc thép Trung Quốc sẽ đổ vào thị trường Việt Nam, cạnh tranh trực tiếp với thép sản xuất trong nước và "đội lốt" thép Việt để xuất khẩu, bởi Trung Quốc hiện là một trong những nước sản xuất thép nhiều nhất trên thế giới.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Sưa- Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho hay: "VSA luôn khuyến cáo DN thép Việt Nam không nên tiếp tay cho việc chuyển xuất xứ thép Trung Quốc thành xuất xứ Việt Nam để xuất sang các nước khác".
Thực tế cho thấy, không ít lần thép Trung Quốc đã "lách luật" để vào Việt Nam, đặc biệt là các loại thép xây dựng hồi năm 2009 khiến các doanh nghiệp thép trong nước lao đao. Bên cạnh đó, đã từng có thép Trung Quốc "đột lốt" thép Bo để hưởng ưu đãi thuế, đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.