Thêm góc nhìn pháp lý xung quanh sự việc Quốc ca Việt Nam bị tắt tiếng trong trận đội tuyển Việt Nam-Lào

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau những lùm xùm liên quan đến sự việc Quốc ca Việt Nam bị tắt tiếng trong trận đội tuyển Việt Nam-Lào tại AFF Suzuki Cup 2020 trên Youtube, nhiều người dân đặt câu hỏi, theo quy định hiện hành có cấm được việc kiếm tiền từ bài Quốc ca?

Theo Luật sư Phạm Duy Khương – Đoàn Luật sư Hà Nội, tại một số quốc gia, Quốc ca vẫn mang lại nguồn lợi nhuận cho nghệ sĩ. Họ kiếm tiền từ sự sáng tạo của cá nhân trong cách thể hiện, biểu diễn đối với bài quốc ca đó, nghĩa là sự sáng tạo của họ được pháp luật cho phép và bảo vệ.

Trả lời câu hỏi liệu có cấm được cá nhân, tổ chức kiếm tiền từ Quốc ca, Luật sư Khương cho rằng, điều này chỉ có thể thực hiện được nếu Bộ văn hoá, Thể thao và Du lịch có quyền cấp phép sử dụng bài hát này.

Xét về nền tảng Youtube, nếu không ai chứng minh được một quyền có trước một tác phẩm đã được xác nhận quyền lên trên Youtube trước đó thì Youtube vẫn mặc định quyền của người mà hệ thống của họ đã ghi nhận sớm nhất và bảo vệ cho người đó.

Chưa nói đến việc, trước khi gia đình Nghệ sĩ Văn Cao trao tặng tác phẩm cho nhà nước và nhân dân thì tác phẩm này đã được cấp quyền cho nhiều bên khác nhau. Việc tiếp quản quyền của nhà nước cũng đồng ý nghĩa tiếp quản nghĩa vụ liên quan đến tài sản này. Vì vậy, cơ quan quản lý về văn hóa không thể ngăn các bên được cấp quyền trước đó khai thác quyền, kiếm tiền từ bài hát quốc ca được.

Luật sư Phạm Duy Khương - Đoàn Luật sư Hà Nội

Luật sư Phạm Duy Khương - Đoàn Luật sư Hà Nội

Cũng theo Luật sư Khương, Quốc ca cũng là một bài hát được bảo hộ bản quyền và cần xin phép sử dụng nếu còn thời hạn bảo hộ và tác giả hoặc chủ sở hữu không tự từ bỏ quyền của họ để nó thành của chung.

Nếu gia đình Nhạc sĩ Văn Cao đã hiến tặng Tiến Quân ca (Quốc ca) cho nhà nước và nhân dân cả quyền tài sản thì cả nhà nước và nhân dân đều có quyền sử dụng lời tác phẩm này để sáng tạo ra tác phẩm với bất kỳ mục đích nào.

Theo quy định hiện hành, hiến tặng tác phẩm là chuyển nhượng quyền sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan từ gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao sang cho Nhà nước và Nhân dân. Vì vậy, việc chuyển nhượng này cũng phải đáp ứng các quy định của pháp luật để có sự ràng buộc chặt chẽ.

Trong quá trình tặng cho nếu quyền và nghĩa vụ không thể hiện rõ ràng sẽ làm khó cả bên nhận và bên tặng cho. Do đó, cơ quan chức năng cần rà soát lại và trong trường hợp cần thiết sẽ ký hợp đồng chuyển nhượng với giá 0 đồng từ gia đình Nhạc sĩ Văn Cao sang nhà nước và nhân dân trong đó quy định rất rõ quyền và nghĩa vụ của các bên. Điều này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà nước trong việc phát huy vai trò quản lý của mình đối với bản Quốc ca này.

Mặt khác, để khẳng định chính xác phạm vi đối tượng hiến tặng và liệu gia đình Nhạc sỹ Văn Cao có trao cho nhà nước quyền khác quyền của nhân dân đối với Quốc ca hay không thì cần công bố bản hiến tặng để rộng đường dư luận.

Luật sư Khương cũng nhận định, do phạm vi hiến tặng của gia đình Nhạc sĩ Văn Cao giới hạn ở Nhà nước Việt Nam và nhân dân Việt Nam, nghĩa là không bao gồm các cá phân, tổ chức, pháp nhân ở nước ngoài. Vì vậy, cần rà soát lại với các đơn vị cấp quyền trước đó đã từng cấp cho bên nước ngoài nào và thời hạn cấp quyền đó. Trong hợp đồng đó có quy định cụ thể về cách thức sử dụng bài hát quốc qua hay không và quy định như thế nào.

Với trường hợp xin cấp mới, phải nêu cụ thể cách thức thể hiện, sử dụng và môi trường sử dụng để đảm bảo Quốc ca luôn được thể hiện được tính tôn nghiêm vốn có. Điều này rất quan trọng thay vì để các bên mua quyền sử dụng tuỳ tiện trong cách khai thác bài hát.