Thế mạnh phong trào

ANTĐ - Huyện Gia Lâm và quận Hai Bà Trưng, 2 trong số 29 địa bàn nội, ngoại thành của Hà Nội đã có những sự sáng tạo, chủ động khác nhau trên “lộ trình” vận động nhân dân tham gia giữ gìn ANTT. Chính nhờ sức dân, ANCT - TTXH ở mỗi địa bàn ấy được đảm bảo tuyệt đối an toàn.

CAQ Hai Bà Trưng luôn có sự hỗ trợ của những “cánh tay nối dài” trong tuần tra, kiểm soát

Những “cộng sự” đắc lực

“Đội ngũ cán bộ cơ sở, bảo vệ dân phòng, dân phố, các đội viên tự quản đô thị, hội viên câu lạc bộ vây bắt tội phạm… chính là những cánh tay nối dài của lực lượng công an. Và ở quận Hai Bà Trưng, chúng tôi tự hào vì luôn có những cánh tay nối dài thực sự trách nhiệm, hiệu quả”, Thượng tá Lã Văn Thắng - Phó trưởng CAQ Hai Bà Trưng tâm sự. Là một trong bốn quận trung tâm của Hà Nội, Hai Bà Trưng lâu nay luôn được xác định là địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT và cả trật tự giao thông - đô thị. Con số gần 6.800 đối tượng các loại, trong đó hơn 4.800 đối tượng có tiền án, tiền sự đã phần nào thể hiện tính chất phức tạp của quận Hai Bà Trưng.

“Không dựa vào sức dân, không phát huy được sức dân, sẽ rất khó để hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ vững ổn định ANCT - TTXH”, tâm niệm ấy luôn được lãnh đạo Quận ủy, UBND quận và CAQ Hai Bà Trưng trân trọng, phát huy. Từ giáo dục, cảm hóa người lầm lỗi tại cộng đồng; thiết lập các kênh thông tin tố giác tội phạm ở cụm dân cư; phát hiện đối tượng nghi vấn có biểu hiện phạm tội; đến trực tiếp tuần tra kiểm soát, giữ gìn TTGT- ĐT… lĩnh vực nào ở quận Hai Bà Trưng cũng có sự sát cánh của những “cánh tay nối dài” cùng lực lượng công an.

Biện pháp để quận Hai Bà Trưng phát huy tối đa “sức dân”, là từ đặc thù của từng phường, từ tính chất phức tạp ở mỗi khối phố, sẽ xây dựng mô hình - phong trào kết hợp giữa công an với người dân để phòng, chống và xóa đi những phức tạp. “Giải quyết tụ điểm, điểm phức tạp về ma túy” (triển khai tại các phường Thanh Nhàn, Bạch Mai, Quỳnh Lôi, Thanh Lương…);  “Tổ dân phố bình yên, gia đình yên vui, hạnh phúc” (phường Phạm Đình Hổ); “Liên kết tập trung giải quyết tụ điểm phức tạp về ANTT”… đó là những chuyên đề, mô hình mà sức dân được tập trung, phát huy cao nhất. Hay mới đây, đồng loạt 20 phường trên địa bàn quận Hai Bà Trưng đã triển khai mô hình “câu lạc bộ vây bắt, phòng chống tội phạm”. Bài toán “sức dân” ở quận Hai Bà Trưng đã và đang được vận hành liền mạch, bài bản, góp phần đáng kể cho sự bình yên địa bàn.

“Pháo đài” phòng ngừa tội phạm

Không để xảy ra án đặc biệt nghiêm trọng, tỷ lệ phạm pháp hình sự xảy ra giảm đều từng năm và tỷ lệ điều tra, khám phá án tăng mỗi năm; an ninh nông thôn luôn giữ ổn định… những kết quả ấy, như Đại tá Đặng Văn Vượng - Trưởng CAH Gia Lâm đánh giá, ngoài nỗ lực của các lực lượng CAH, còn có đóng góp rất quan trọng từ nhận thức và hành động cụ thể của người dân trên địa bàn.

Mấu chốt trong các phong trào, mô hình người dân tham gia giữ gìn ANTT ở huyện Gia Lâm, là bám sát, phát huy tính cộng đồng, làng xã, từ người chủ gia đình, trưởng dòng họ đến trưởng thôn. Bên cạnh những chế tài, pháp luật, trong từng cụm dân cư, thôn xóm ở huyện Gia Lâm còn có những “gia luật”, “xóm luật”, “làng luật” vừa bám sát các tiêu chí thượng tôn pháp luật, lại vừa có tác dụng răn dạy, uốn nắn con em, công dân chấp hành tốt pháp luật, phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội.

Tính “tự phòng” là đặc thù nổi bật trong các phong trào ở huyện Gia Lâm. Nó là xuất phát điểm của hàng nghìn thông tin về ANTT được người dân cung cấp đến cơ quan công an mỗi năm. Từ tự phòng, đã hình thành và phát triển thành các mô hình liên gia, liên kết giữ gìn ANTT địa bàn và khu vực giáp ranh. Hơn 2.000 tổ liên gia ở huyện Gia Lâm đang hoạt động hết sức hiệu quả, đảm trách các nhiệm vụ trên các lĩnh vực văn hóa, kinh tế đến đảm bảo ANTT. Hàng trăm mâu thuẫn nội bộ nhân dân được kịp thời phát hiện, hòa giải thành công. Những “điểm sáng sức dân” đã hình thành và lan tỏa trên địa bàn Gia Lâm, như “Tổ hòa giải 5 tốt” (xã Văn Đức), “Dòng họ, dòng tộc tự quản về ANTT” (xã Dương Hà, Đình Xuyên); “Toàn dân tham gia quản lý, giám sát hoạt động của các cơ sở kinh doanh nhạy cảm về ANTT” (xã Đa Tốn, Cổ Bi)… Nói như ông Nguyễn Huy Việt - Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, thì địa bàn này đã và đang có được những “pháo đài” vô giá trong phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội. Những “pháo đài” được lập nên từ tính tự phòng, từ nhận thức và hành động cụ thể của mỗi người dân.