- Các nước Baltic quyết tâm thúc đẩy EU từ bỏ khí đốt Nga
- Hành trình tội ác của “sói cái” giết hàng loạt phụ nữ lớn tuổi, cướp tài sản
Ngày 5-4-2022, trong 1 hội nghị chuyên đề về Không gian, Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendal bày tỏ sự lo ngại về sự lớn mạnh của lực lượng hạt nhân Trung Quốc.
“Mối quan tâm lớn nhất hiện nay mà tôi nghĩ, một là mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga, hai là những thông tin về việc Trung Quốc đang mở rộng lực lượng hạt nhân. Điều này sẽ đưa Trung Quốc lên mức gần ngang bằng với Mỹ và Nga chỉ trong một vài năm nữa”, ông Kendall nói, “điều đó sẽ đưa thế giới vào trạng thái hạt nhân ba bên.”
Trước đó, vào hồi tháng 12-2022, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã cáo buộc Trung Quốc đang đẩy nhanh việc xây dựng kho vũ khí hạt nhân, đồng thời tuyên bố rằng Bắc Kinh có ý định nâng số lượng đầu đạn hạt nhân lên 1.000 đầu đạn hạt nhân vào năm 2030.
Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bác bỏ và cho biết những tuyên bố của chính phủ Mỹ liên quan đến kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc là không đúng sự thật, đồng thời nhấn mạnh rằng Bắc Kinh tuân thủ nguyên tắc "không sử dụng vũ khí hạt nhân trước" và chỉ giữ vũ khí hạt nhân ở mức tối thiểu cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia.
Xe quân sự mang tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-41 trên Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh trong cuộc duyệt binh vào tháng 10 -2019. |
Trung Quốc nêu rõ việc gia tăng nhanh chóng hoặc đáng kể số lượng đầu đạn hạt nhân là đi ngược lại chính sách nước này, tuy nhiên không có nghĩa là Trung Quốc không hiện đại hóa kho vũ khí hiện tại của mình và việc hiện đại hóa đang được tiến hành phù hợp với lợi ích của Bắc Kinh trong việc đảm bảo độ tin cậy của kho vũ khí nhằm duy trì an ninh và răn đe chiến lược.
Ở phía bên kia, Mỹ đang cố gắng đưa Trung Quốc vào bàn đàm phán để đồng ý với Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (START mới). Mỹ tin rằng việc Trung Quốc tăng kho vũ khí hạt nhân sẽ khiến nước này trở thành một trong những kho vũ khí lớn nhất thế giới, và việc răn đe trở nên khó khăn hơn.
Theo hiệp ước START mới, Nga và Mỹ đã đàm phán giới hạn 1.550 đầu đạn hạt nhân tấn công mỗi bên.
Về phía Nga, Kremlin thể hiện quan điểm không ép buộc Trung Quốc tham gia vào các cuộc đàm phán hạt nhân mà mong muốn Bắc Kinh tự cân nhắc, quyết định liệu những cuộc đàm phán này có lợi cho nước này hay không.