Thế giới ngầm của giới “mafia vàng” ở Dubai

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong 20 năm qua, Dubai đã trở thành một trong những trung tâm giao dịch vàng lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, thành phố này cũng nổi lên như một điểm đến ưa thích của những kẻ rửa tiền hoặc những tay buôn lậu vàng muốn rửa nguồn tài chính bất hợp pháp.
Dubai được mệnh danh là thủ phủ vàng của thế giới

Dubai được mệnh danh là thủ phủ vàng của thế giới

Lỗ hổng về chính sách

Dubai đã được xếp hạng gần như đứng đầu các thành phố trên toàn cầu về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nơi đây cũng là một trung tâm thương mại hàng hóa hàng đầu. Uy tín đó được tạo dựng nhờ hàng loạt chính sách thu hút doanh nghiệp. Đặc biệt, “Khu vực tự do” của Dubai (khu vực thương mại được thiết lập đặc biệt cho các nhà đầu tư nước ngoài để dễ dàng thành lập công ty) là trọng tâm của chiến lược này. Điểm nổi bật của “Khu vực tự do” là không cần đóng thuế và các nghĩa vụ, thủ tục tài chính rất thông thoáng. Chính sách ở đây cho phép các cá nhân, doanh nghiệp nhanh chóng chuyển lợi nhuận về nước. Tuy nhiên, những chính sách đó cũng tạo điều kiện cho tội phạm tài chính lớn lọt qua kẽ hở. “Dubai được thành lập để trở thành một thủ đô tài chính. Họ tự đặt mình vào vị trí trung gian trong giao dịch vàng, với luật lệ lỏng lẻo và không có cơ quan giám sát thực thi. Tất cả những điều đó làm cho Dubai trở thành một nơi lý tưởng để nuôi dưỡng hoạt động rửa tiền quốc tế, đặc biệt là buôn lậu vàng” - Karen Greenaway, cựu điều tra viên của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), người đang làm cố vấn về vấn đề chống rửa tiền, nhận định.

“Tất cả đều bắt nguồn từ Dubai” - Ewan Macmillan, một trong những trùm buôn lậu người Zimbabwe vốn sử dụng Dubai làm trung tâm hoạt động, quả quyết. Tại văn phòng của mình ở Jumeirah Lake Towers (JLT - một trong những “Khu vực tự do” của Dubai), Macmillan cho biết, nếu muốn mua vàng trước tiên cần có một văn phòng đại diện. Một kẻ buôn lậu khác tên là Alistair Mathias (đối tác kinh doanh của Ewan Macmillan) cũng đề nghị giúp thành lập một công ty có văn phòng tại “Khu vực tự do” của Dubai. Khi được hỏi liệu nhà chức trách Dubai có xem xét kỹ lưỡng việc thành lập công ty hay không, Mathias nói: “Họ không bận tâm đâu”.

Theo nghiên cứu của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế vào năm 2020, đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi rửa tiền đi qua Dubai còn là hệ thống chuyển tiền trực tiếp Hawala. Hawala là một cách chuyển tiền xuyên biên giới ngoài sự giám sát của hệ thống tài chính chính thức. Nó dựa trên sự tin tưởng và kết nối, không qua ngân hàng và cũng không có giao dịch chính thức nào trên sổ sách, khiến các cơ quan chức năng không thể theo dõi dòng tiền. Báo cáo của Carnegie về giao dịch vàng của Dubai cho biết: “Sự kết hợp của nhiều yếu tố như nhập khẩu vàng trong khi quản lý lỏng lẻo, giám sát yếu kém tại các khu vực thương mại tự do, thông tin sai lệch về thương mại và dòng tiền thông qua các hệ thống không chính thức như Hawala đều tạo thuận lợi cho các mạng lưới rửa tiền”.

Khó xác định nguồn gốc của vàng một khi đã qua nhiều lần tinh luyện

Khó xác định nguồn gốc của vàng một khi đã qua nhiều lần tinh luyện

Bất thường trong các lò tinh luyện vàng

Quá trình điều tra cho thấy, vàng từ Zimbabwe được gửi đến một nhà máy tinh chế ở Dubai, nơi nó được nấu chảy lại. Sau đó, nó được biến thành một thỏi vàng với con dấu của nhà máy tinh luyện Dubai. Bằng chứng về nguồn gốc của nó bị loại bỏ, khiến việc bán vàng trở nên dễ dàng hơn vì không còn dấu vết nào liên quan đến vàng khai thác phi pháp. Amjad Rihan - một cựu đối tác của Công ty kế toán toàn cầu Ernst & Young, người có công việc liên quan đến theo dõi giao dịch vàng ở Dubai, cho biết: “Vàng đến tay các nhà tinh luyện, một khi đã được tinh chế, nó thực sự là vàng mới. Số tiền từ việc bán số vàng này sau đó được chuyển vào tài khoản ngân hàng như một khoản thu nhập hợp pháp”.

Năm 2013, khi đang làm việc tại Ernst and Young, ông Rihan được giao nhiệm vụ kiểm toán Kaloti - nhà máy luyện vàng lớn nhất Dubai vào thời điểm đó. “Đó là những phát hiện rất đáng lo ngại. Chúng tôi thấy Kaloti đã kiếm được hơn 5,2 tỷ USD tiền mặt trong 1 năm. Điều đó có nghĩa khoảng 40% công việc kinh doanh của Kaloti được thực hiện bằng tiền mặt” - ông Rihan nói và giải thích rằng, việc giao dịch bằng tiền mặt khiến việc đánh giá rủi ro, thẩm định khách hàng trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Ngoài ra, thời điểm đó Kaloti đang giao dịch với các quốc gia hoặc thực thể bị trừng phạt, bao gồm cả vàng có được từ cuộc xung đột Sudan. Các cuộc điều tra sau đó đã kết nối các giao dịch này với hoạt động rửa tiền và tài trợ cho tội phạm có tổ chức. Amjad Rihan đã báo cáo những phát hiện của mình cho cấp trên nhưng bị buộc rời khỏi công ty vì đã tiết lộ bí mật không ai muốn biết. Sau đơn kiện của Amjad Rihan, năm 2020, một tòa án ở Vương quốc Anh đã cáo buộc Ernst & Young cố tình “che giấu những phát hiện” về việc rửa tiền của Kaloti.

Nhưng trường hợp của Rihan không phải là duy nhất. Là người đứng đầu bộ phận tại Deutsche Bank ở Dubai, vai trò của Anna Waterhouse là đảm bảo các giao dịch tuân thủ luật pháp của cả địa phương và quốc tế. Cô cũng nhận thấy những bất thường trong công việc kinh doanh của Kaloti. Anna Waterhouse đã gửi báo cáo, trong đó ghi nhận hành vi bất thường của khách hàng Kaloti, rằng Kaloti đã rút quá nhiều tiền mặt từ tài khoản của họ đến mức phải sử dụng xe cút kít để chở tiền. Lẽ ra, báo cáo đó là bước đầu tiên để đảm bảo khách hàng của ngân hàng có hành vi đáng ngờ phải chịu sự giám sát kỹ lưỡng hơn, nhưng Deutsche Bank lại nhìn nhận điều đó theo cách khác. “Khi gửi báo cáo do thấy các hoạt động đáng ngờ, tôi đã gặp phải sự phản kháng. Deutsche Bank sau đó có kiểm tra hoạt động kinh doanh của Kaloti nhưng không tìm được gì” - Waterhouse nói.

Vào năm 2015, Trung tâm Đa hàng hóa Dubai (DMCC - cơ quan cấp phép chính của thành phố về buôn bán hàng hóa) đã loại bỏ Công ty Kaloti khỏi danh sách các nhà tinh chế vàng của Dubai. DMCC không phải là cơ quan quản lý, nhưng cung cấp cho các công ty giấy phép cần thiết để hoạt động trong “Khu vực tự do” của Dubai bằng cách sử dụng “quy trình tuân thủ rõ ràng, toàn diện và mạnh mẽ”.

Khó truy vết nguồn gốc

Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, quá trình che giấu nguồn gốc của vàng không phải lúc nào cũng kết thúc ở đó. Trong những năm gần đây, Liên hợp quốc và các tổ chức toàn cầu đã đặt ra câu hỏi về các hoạt động thẩm định được áp dụng trong ngành công nghiệp vàng của Dubai. Vì vậy, sau lớp ngụy trang ban đầu, vàng Dubai sẽ được xuất khẩu sang London hoặc Thụy Sĩ để được đóng dấu “vàng Thụy Sĩ”. UAE xuất khẩu 23% khối lượng vàng của mình sang thị trường lớn nhất là Thụy Sĩ. Điều đó làm cho nguồn gốc của vàng không thể bị truy tìm và trở nên hoàn hảo đối với tội phạm muốn che giấu nguồn tài sản của chúng. Một báo cáo năm 2020 của Global Witness cho thấy nhà máy luyện vàng lớn nhất thế giới Valcambi của Thụy Sĩ trước đây đã mua vàng từ Kaloti mà gần như chắc chắn có nguồn gốc từ Sudan.

Các chuyên gia cho biết, vì vàng được tinh chế nhiều lần và di chuyển khắp thế giới nên khó có thể chắc chắn liệu vàng được mua trên thị trường mở có “sạch” về mặt đạo đức và pháp lý hay không. Một chiếc đồng hồ có thể được làm bằng những miếng vàng từ khu vực xung đột, hoặc một thỏi vàng được nấu chảy với những phần vàng nhập lậu. Vòng lặp không hồi kết của việc nấu chảy, bán, mua và tinh luyện lại làm xáo trộn mọi dấu vết về nguồn gốc của vàng, gây khó khăn cho các cơ quan thực thi pháp luật khi xây dựng bằng chứng chống lại những kẻ buôn lậu.

“Khi nói về vàng, một số người nghĩ rằng “Ồ, điều này không ảnh hưởng đến chúng tôi. Nó chỉ dành cho những người giàu có hoặc một bộ phận nhỏ trong xã hội quan tâm đến vàng. Nhưng thực tế là vàng đi vào cuộc sống của chúng ta gần như hàng ngày, bởi vì ngay cả điện thoại và máy tính xách tay mà chúng ta sử dụng cũng có thành phần của vàng. Nhiều thiết bị điện tử mà hàng ngày chúng ta sử dụng cũng có một lượng vàng trong bảng mạch của chúng. Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm đảm bảo rằng nhận được vàng sạch và thiết bị chúng ta sử dụng là vàng sạch” - ông Amjad Rihan nói.