Thế giới không bình yên

ANTĐ - Xung đột tại Syria, đối đầu trong vấn đề hạt nhân của Iran, căng thẳng do tranh chấp lãnh thổ rồi khủng hoảng nợ công... Những vấn đề an ninh và kinh tế nóng bỏng ấy có thể thấy rõ trong các phiên họp toàn thể của Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) khoá 67 với sự tham dự của nhiều vị nguyên thủ quốc gia.

Người dân khắp thế giới nhìn về trụ sở LHQ với trông đợi tổ chức này nỗ lực

và hành động hiệu quả hơn nữa để mang lại bình yên

Phát biểu khai mạc phiên thảo luận toàn thể của Đại hội đồng LHQ khóa 67 ngày 25-9, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cho rằng, thế giới đang phải đối mặt với một thời kỳ chuyển tiếp, nhiều rối loạn và biến đổi. Người đứng đầu tổ chức quốc tế lớn nhất và quan trọng nhất trên thế giới kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới phải hành động nhiều hơn những gì họ đang làm vì một thế giới bình yên và phát triển.

Quả thật, lãnh đạo các nước thành viên tề tựu về trụ sở LHQ để tham dự các phiên thảo luận toàn thể Đại hội đồng LHQ khoá họp mới năm nay trong bối cảnh nhiều bất ổn, cả về an ninh và kinh tế trên thế giới. Bên cạnh những vấn đề còn tồn tại như cuộc chiến tại Iraq, Afgahnistan hay vấn đề chương trình hạt nhân của Iran, trên thế giới năm nay lại bùng phát thêm "điểm nóng" xung đột Syria khiến khoảng 29.000 người thiệt mạng và 1,5 triệu người phải đi tị nạn.

Tranh chấp lãnh thổ trên biển tại châu Á-Thái Bình Dương vốn đã căng thẳng từ năm ngoái nay còn lan rộng và gia tăng về cường độ với cuộc đối đầu giữa Nhật Bản với Trung Quốc và Đài Loan quanh quần đảo Senkaku theo cách gọi của Nhật Bản hay Điếu Ngư theo cách gọi của Trung Quốc. Cuộc tranh chấp giữa hai cường quốc kinh tế lớn thứ 2 và 3 của thế giới hiện nay không chỉ tác động tiêu cực tới an ninh, ổn định mà còn đe doạ cả sự phục hồi vốn chậm chạp của kinh tế thế giới.

Chính vì vậy, việc giải quyết những thách thức về an ninh và kinh tế nóng bỏng nhất hiện nay được xem là mối quan tâm chung, trọng tâm của Đại hội đồng LHQ cũng như cả tổ chức LHQ. Sau khi cho rằng tình hình tại Syria "đang tồi tệ hơn từng ngày" và đây là "một thảm họa khu vực đang gây chia rẽ toàn cầu", Tổng thư ký Ban Ki-moon đã thúc giục triển khai ngay một hành động quốc tế nhằm chấm dứt xung đột hiện nay. 

Song, cộng đồng quốc tế lại tỏ ra chia rẽ khi giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria. Trong khi Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Quốc vương Qatar Hamad bin Khalifa al-Thani gián tiếp hoặc trực tiếp kêu gọi sự can thiệp quân sự vào Syria thì Tổng thống Brazil Dilma Rousseff lại bác bỏ và kêu gọi các bên ở Syria hạ vũ khí vì giải pháp tốt nhất, duy nhất cho cuộc khủng hoảng này là ngoại giao và đối thoại.

Quan điểm của Tổng thống Brazil được nhiều thành viên LHQ tán đồng trong việc giải quyết các vấn đề nóng bỏng của thế giới hiện nay. Chủ tịch khóa họp 67 của Đại hội đồng LHQ Vuk Jeremic mong muốn tất cả thành viên LHQ sẽ có những đóng góp to lớn và quan trọng vào việc củng cố hòa bình và an ninh trên toàn thế giới. Ông kêu gọi các nước thành viên tập trung thảo luận để tìm biện pháp giải quyết mọi cuộc tranh chấp và xung đột trên phạm vi toàn cầu bằng biện pháp hòa bình. Với ưu tiên này, ông Jeremic cho biết, những vấn đề liên quan tới hòa bình và an ninh toàn cầu sẽ là chủ đề bao trùm trong tổng số 170 đề mục đã được thông qua trong chương trình nghị sự của Đại hội đồng LHQ khóa 67 vì đó là cơ sở để bảo đảm sự ổn định chung, là điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội trên thế giới.