Google “Mobilegeddon":

Thay đổi thuật toán tìm kiếm Google, doanh nghiệp và người dùng bị ảnh hưởng thế nào? (Phần 2)

ANTĐ - Ở phần trước, độc giả đã được giới thiệu về tầm quan trọng của việc Google thay đổi thuật toán tìm kiếm. Vậy người dùng phổ thông và các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan... có website sẽ bị ảnh hưởng như thế nào? Phần 2 sẽ mang lại lời giải đáp thỏa đáng.

Thay đổi để tương thích với Mobilegeddon chính là đi theo xu hướng phát triển

Các doanh nghiệp, cơ quan… sẽ chịu ảnh hưởng thế nào từ Google "Mobilegeddon”?

Thay đổi “"Mobilegeddon” – “thân thiện di động” của Google chắc chắn sẽ ảnh hưởng mạnh tới website của các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân trên toàn cầu. Song đánh giá đó là ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực thì tùy thuộc vào cách nhìn nhận của mỗi bên.

Bình thường, các doanh nghiệp phải bỏ ra số tiền đáng kể cùng công sức không nhỏ để tăng thứ hạng trên bảng tìm kiếm Google. Có tên trên trang nhất tìm kiếm sẽ đi kèm với một cái giá “cắt cổ”.

Chiến lược gia website Brandon Prettyman cho rằng những doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ là các đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi việc thay đổi thuật toán mới.

“Những doanh nghiệp nhỏ thiếu nguồn tài chính và kiến thức để thực hiện thay đổi cho website của họ. Trong khi đó, doanh nghiệp quy mô cũng gặp khó khăn bởi họ thường sở hữu website phức tạp với nhiều tính năng tùy chỉnh, nên việc cập nhật tất cả file đó sẽ rất mất công”, chuyên gia Prettyman cho hay.

Hồi tuần trước, công ty chuyên về marketing di động Somo đã phát hiện ra một loạt thương hiệu lớn – gồm American Apparel, Versace và Nintendo – vẫn sở hữu những trang web không đạt chuẩn thân thiện di động của Google. Tất nhiên, tới giờ thì có thể đội ngũ quản trị web của họ đã có ý thức hơn.

Tương tự, một số chuyên gia về xếp hạng tìm kiếm đã cảnh báo về những hậu quả tiềm tàng sau thay đổi từ Google.

Itai Sadan đến từ công ty xây dựng website Duda nói: “Tôi nghĩ những người có nguy cơ rớt hạng tìm kiếm lại không biết gì về nó. Bắt đầu thay đổi từ ngày 21/4, nhiều doanh nghiệp nhỏ sẽ bị bất ngờ khi thấy lượng khách ghé thăm website của họ bị sụt giảm nghiêm trọng. Điều này sẽ ảnh hưởng tới hàng triệu trang web khác nhau”.

Chẳng hạn như, dù là hãng hàng không lớn thứ 2 ở châu Âu, song hãng hàng không giá rẻ Ryanair đã không len nổi vào 1/3 phía trên đầu ở trang kết quả tìm kiếm thứ 2 của Google, khi thử với từ khóa rất gần với Ryanair là “hàng không giá rẻ”.

Tình hình không mấy tích cực cũng tương tự với hãng American Apparel. Khi thử tìm với từ khóa “các thương hiệu may mặc tốt nhất ở Mỹ” thì tên tuổi đình đám như American Apparel chỉ “mon men” tới đáy trang thứ 2 của kết quả tìm kiếm.

Vậy nhưng, thay đổi của Google cũng mang lại điều tích cực cho những ai biết khai thác đúng lúc.

“Các nhà tiếp thị sẽ thấy rằng đối thủ của họ đang bị tuột dốc, và họ có thể nhanh chóng khai thác lợi thế này để cải thiện thứ hạng trên bảng tìm kiếm Google”, chuyên gia Prettyman bày tỏ.

Trong khi đó, Giám đốc sản phẩm Kevin Dallas ở bộ xử lý thanh toán toàn cầu Worldpay eCommerce đã tỏ ra hào hứng với những thay đổi.

“Động thái này của Google sẽ gửi đi một thông điệp tới các doanh nghiệp có website không được thiết kế phù hợp với người dùng smartphone rằng việc tối ưu hóa trang web cho di động là bắt buộc chứ không còn là một lựa chọn nữa. Điều này đặc biệt phù hợp với những nhà bán lẻ trực tuyến”, Giám đốc Dallas bày tỏ.

Để nhanh chóng cải thiện thứ hạng của mình, các doanh nghiệp cần tập trung vào việc thay đổi website, trong đó lưu tâm đến tính dễ đọc, dễ phóng to văn bản, tối ưu hóa màn hình và các nút bấm phải đủ lớn – lời khuyên của Giám đốc Neil Goddard phụ trách mảng SEO của hãng Tug, chuyên về marketing tìm kiếm.

Bên cạnh đó, một lời khuyên nữa đối với việc phát triển website là thời gian tải trang có ý nghĩa rất quan trọng. Điều này càng đúng hơn nữa với thay đổi thân thiện di động hiện nay.

Trong bài phát biểu tại sự kiện SES Miami hồi tháng trước, chuyên gia Maile Ohye của Google nói rằng 3/4 số người sẽ từ bỏ việc truy cập một trang web nếu phải chờ quá 5 giây, và 46% không quay lại nữa.

Ohye nói rằng “Mobilegeddon" đã đặt khách hàng lên ưu tiên trước hết, thể hiện qua việc nắm bắt xu hướng ngày càng phổ biến của các thiết bị di động.

Chuyên gia về SEO có tên Goddard cũng bày tỏ sự ủng hộ với thay đổi từ Google.

“Nếu các doanh nghiệp không đón nhận sự thay đổi, họ sẽ thua các đối thủ cạnh tranh. Doanh nghiệp sẽ không còn vô tâm với trải nghiệm di động của người dùng nữa, bởi họ vẫn hy vọng sẽ được hưởng lợi từ lượng người dùng truy cập qua cỗ máy tìm kiếm Google. Thay đổi thuật toán mới có vai trò tích cực đối với ngành công nghiệp”, chuyên gia Goddard bày tỏ.

Hiện chưa có những thống kê chính thức về mức độ ảnh hưởng của Google "Mobilegeddon” tới thế giới web, song nếu đã sử dụng công cụ xác định chuẩn “thân thiện di động” của Google (xem phần 1) mà thấy không đạt, người quản trị web có lý do để lo lắng và cần sớm thay đổi trước khi gánh chịu hậu quả.

Các nhà quản trị và phát triển website có thể tham khảo công cụ từ chính Google cung cấp để giúp website phù hợp với các nguyên tắc thân thiện di động, ở địa chỉ: https://developers.google.com/webmasters/mobile-sites/get-started/?utm_source=wmc-blog&utm_medium=referral&utm_campaign=mobile-friendly

Các doanh nghiệp, cơ quan ở Việt Nam có biết về Google "Mobilegeddon"?

Thế giới web đang “sôi sục” với sự thay đổi hứa hẹn mang tính cách mạng – Mobilegeddon – từ Google. Nhưng dường như tại Việt Nam, chưa nhiều doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức và cá nhân có website để ý về thay đổi này.

Khi tìm kiếm Google với từ khóa “Mobilegeddon” và lọc, chỉ lấy kết quả là những trang web viết bằng tiếng Việt thì lượng kết quả trả về không nhiều, chủ yếu chỉ là đưa tin hoặc trích dẫn lại thông tin sự kiện có liên quan.

Gần như là duy nhất, diễn đàn Thế giới SEO (thegioiseo.com) có một số nội dung hướng dẫn tối ưu hóa website theo hướng thân thiện di động, phù hợp với thay đổi Mobilegeddon của Google.

Dù vậy, một điều may mắn là rất nhiều trang web tại Việt Nam đang sử dụng 2 nền tảng phổ biến là Wordpress và Joomla. Khi cài những nền tảng này, người dùng có thể lựa chọn nhiều loại giao diện (theme hay template) khác nhau, trong đó có những giao diện được thiết kế theo phong cách mới, với phiên bản dành riêng cho thiết bị di động và có thể đáp ứng tiêu chuẩn Mobilegeddon của Google.

Do đó, đương nhiên là không cần tác động, những website này tự tương thích được với thay đổi mới trong thuật toán tìm kiếm Google.
Chẳng hạn như trang baosoviet.com sử dụng nền tảng CMS Wordpress. Bằng việc lựa chọn giao diện được thiết kế phiên bản dành riêng cho thiết bị di động, baosoviet.com đã vượt qua phần kiểm tra của Google để "đạt chuẩn thân thiện di động" mà không cần phải thay đổi gì cả.
Anh Nguyễn Đình Toản (nhà sáng lập kiêm quản trị viên của diễn đàn Thế giới SEO) cho hay: "Đa phần người làm SEO ở Việt Nam lầm tưởng thay đổi mới sẽ lập tức đánh tụt hạng, loại bỏ website... vốn không được tối ưu cho thiết bị di động, mà không hiểu bản chất rằng nó chỉ là một yếu tố được Google bổ sung khi lượng người tìm kiếm trên di động ngày một tăng cao. Nếu bạn tinh chỉnh thân thiện di động cho trang web của mình thì là một điều tốt, còn không thì bạn có thể gia tăng yếu tố khác bù lại điều đó mà vẫn đảm bảo yếu tố xếp hạng của bạn được đứng vững trên top. Cần nhắc lại là việc cập nhật Mobilegeddon lần này của Google chỉ ảnh hưởng đến tìm kiếm của người dùng trên các thiết bị di động, chứ không ảnh hưởng đến xếp hạng khi bạn tìm kiếm qua các thiết bị truyền thống, như trên máy tính để bàn (desktop) chẳng hạn".
Cũng theo anh Toản, lời khuyên dành những người chịu trách nhiệm thu hút khách ghé thăm website là "mẫu chốt vấn đề là cần có một nội dung tốt để cung cấp cho người dùng. Song hành với đó là đẩy mạnh các yếu tố kỹ thuật, trải nghiệm người dùng, tính tương tác, tối ưu... kết hợp với các kỹ năng marketing online như SEO, SEM, mạng xã hội... để gia tăng sự thu hút đó. Thu hút khách ghé thăm website luôn là một bài toán khó và muôn thủa của tất cảc nhà quản trị và phát triển website".
*****
Với những thông tin đã cung cấp qua 2 phần nội dung, hy vọng độc giả đã hiểu hơn về những thay đổi mang tên Google “Mobilegeddon“ và thấy rằng "cơn địa chấn" của Google hoàn toàn tích cực, đi theo đúng trào lưu phát triển hiện nay.