Thay đổi quản trị, phát triển nhân lực cho tầm nhìn trăm năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Năng lực cạnh tranh lớn nhất của công ty này so với công ty khác không phải là máy móc, thiết bị, thương hiệu, mà là ở con người, là văn hóa doanh nghiệp. Phát triển con người được xem là chìa khóa để Tân Hiệp Phát vượt qua khó khăn, thách thức trên hành trình gần 30 năm bứt phá và tiếp tục hiện thực hóa tầm nhìn trăm năm cho doanh nghiệp.

Yếu tố con người quyết định tất cả

Trong ngày đầu Xuân Quý Mão, ông Trần Quí Thanh - nhà sáng lập, Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát nhìn nhận lại, năm 2021-2022 là giai đoạn khó khăn nhất từ trước tới nay mà Tân Hiệp Phát phải trải qua. Nếu như năm 2021 cả nước gặp đại dịch Covid-19 khiến hầu hết các doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, một số ít vừa sản xuất vừa thực hiện cách ly theo mô hình “3T”, phải thay đổi cách thức làm việc, thì đến năm 2022 khó khăn nối tiếp khó khăn. Theo sát dịch bệnh là cuộc xung đột Nga - Ukraine, rồi khủng khoảng logistic toàn cầu, khủng hoảng kinh tế, mất thanh khoản diễn ra trên thế giới đã ảnh hưởng tới Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp thật sự lao đao và bị đe dọa sự tồn vong khi trải qua những biến cố chưa từng có như thế. “Tuy nhiên, với sự nỗ lực của toàn bộ công nhân viên trong đại gia đình Tân Hiệp Phát, trải qua 2 năm đại dịch vô cùng khó khăn, chúng ta chưa phải nghỉ việc ngày nào” - ông Trần Quí Thanh chia sẻ trong niềm vui, xúc động với toàn thể cán bộ, nhân viên qua cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Hội thi Văn nghệ truyền thống kỷ niệm Ngày thành lập Tập đoàn - một nét văn hóa của con người Tân Hiệp Phát

Hội thi Văn nghệ truyền thống kỷ niệm Ngày thành lập Tập đoàn - một nét văn hóa của con người Tân Hiệp Phát

Nhắc lại quá trình phát triển từ con số 0, từ số vốn ít ỏi, lãnh đạo đến nhân viên Tân Hiệp Phát đã vừa làm, vừa học, thậm chí nghiệp vụ kế toán còn chưa hoàn thiện. Đến nay, Tân Hiệp Phát đã mạnh dạn đầu tư theo các tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng hệ thống SAP, vận hành và làm chủ công nghệ vô trùng Aseptic hiện đại nhất thế giới. Từ chỗ “lệnh bằng miệng”, tập đoàn đã tiến xa so với giai đoạn khởi đầu lập nghiệp khi áp dụng các tiêu chuẩn ISO, viết được những gì đang làm và làm được những gì đã viết ra. “Đó là những bước đi rất xa. Tuy nhiên, chúng ta không dừng lại đó. Năng lực cạnh tranh lớn nhất của công ty này so với công ty khác, không phải là máy móc, thiết bị, thương hiệu, mà sự cạnh tranh lớn nhất là ở con người, ở văn hóa doanh nghiệp để tất cả thành viên trong Tân Hiệp Phát phải có thái độ ứng xử theo đúng giá trị cốt lõi. Mỗi cán bộ nhân viên Tân Hiệp Phát cần chính trực, lấy khách hàng là mục tiêu, xây dựng được những tiêu chuẩn dịch vụ, sản phẩm quốc tế…” - Chủ tịch Trần Quí Thanh nhìn nhận.

Khởi nghiệp sau 28 năm… “làm nháp”

Nhấn mạnh tài nguyên con người, Dr.Thanh khẳng định: “Con người chính là nhân tố để phát triển những giá trị cốt lõi của doanh nghiệp với tầm nhìn trăm năm. Do đó, Tập đoàn Tân Hiệp Phát đầu tư để phát triển con người”.

Được thành lập ngày 15-10-1994, Tân Hiệp Phát đã có hành trình gần 30 năm bứt phá mạnh mẽ để trở thành thương hiệu hàng đầu trong ngành nước giải khát Việt Nam. Thay vì lựa chọn gia công các sản phẩm cho tập đoàn đa quốc gia, nhà sáng lập Trần Quí Thanh đã quyết tâm xây dựng thương hiệu riêng đậm chất thuần Việt, qua đó khơi dậy niềm tin, niềm tự hào của người tiêu dùng trong nước trước sự cạnh tranh của những “gã khổng lồ” như Pepsi hay Coca-Cola. Tân Hiệp Phát đã không chọn gia công sản phẩm mà quyết tâm xây dựng thương hiệu của riêng mình, với nhà máy sản xuất và khả năng cạnh tranh độc lập với các tập đoàn đa quốc gia.

Dù đã có thành công nhất định trên thương trường, song nhà sáng lập Tập đoàn Tân Hiệp Phát vẫn khiêm tốn cho rằng: “Luôn phải lấy tinh thần khởi nghiệp, 28 năm vừa qua là 28 năm “làm nháp” thì giờ đây chúng ta cần tập trung phát triển con người. Trước đây, chúng ta chưa ưu tiên rõ ràng điều này”. Ông Trần Quí Thanh khẳng định: “Chúng ta cũng đã từng đưa ra mục tiêu phát triển con người Tân Hiệp Phát, nhưng trước đó Tân Hiệp Phát còn phải tập trung để giành được thị trường, tạo ra sản phẩm có vị trí trong thị trường, giành lấy thị phần để tồn tại. Nhưng để xây dựng một tổ chức có thể tồn tại hàng trăm năm thì việc cần tập trung vào lúc này là phát triển con người. Vì “nhân tài như lá mùa thu”, cho nên không ai là không thể thay thế. Muốn doanh nghiệp tồn tại trăm năm được, kế tiếp qua nhiều thế hệ, thì năm nay chúng ta cần tập trung thay đổi rất lớn về quản trị, đặc biệt là quản trị nguồn nhân lực”.

Chìa khóa để vượt qua thách thức

Tập trung ưu tiên phát triển con người và thay đổi lớn về quản trị nguồn nhân lực, Tân Hiệp Phát đã làm như thế nào? Trong thông điệp ngay ngày đầu Xuân Quý Mão với người lao động, nhà sáng lập Trần Quí Thanh nhấn mạnh: “Tất cả các anh chị em sẽ phải tập trung ưu tiên tuân thủ kỷ luật. Kỷ luật ở đây là đọc, hiểu các hướng dẫn công việc, quy trình chính sách và tuân thủ 100% quy trình, chính sách. Kỷ luật ở đây là đúng người, đúng vị trí để phát huy vai trò mỗi người trong một tổ chức. Đồng thời, Tân Hiệp Phát xây dựng lại KPI (Key Performance Indicator - chỉ số đánh giá hiệu quả công việc), làm việc theo bộ KPI mới.

Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành doanh nghiệp trăm năm, Tân Hiệp Phát luôn cầu thị để có thể hoàn thiện những gì chưa đạt được của ngày hôm qua và đặt ra những mục tiêu thách thức cho ngày mai. Yếu tố nguồn nhân lực được xem là chìa khóa để vượt qua những khó khăn thách thức. Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người về một công ty gia đình, nơi các thành viên trong nhà nắm toàn quyền kiểm soát và đánh giá, sự minh bạch luôn được đề cao ở Tân Hiệp Phát. Là thế hệ lãnh đạo kế tiếp, bà Trần Uyên Phương - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho biết: “Chúng tôi có những bộ tiêu chí rõ ràng để đánh giá người lao động, từ nhân viên đến quản lý cấp cao, dựa trên hiệu quả công việc của họ. Quản trị nguồn nhân lực theo phương thức này giúp loại bỏ hoàn toàn cảm tính và cũng giúp các cá nhân hoàn thiện chính mình. Chúng tôi đã đầu tư và đang từng bước xây dựng lộ trình phát triển cho con người ở Tân Hiệp Phát”.

Nói rõ hơn về vai trò của mỗi cán bộ, nhân viên trong sự phát triển của tập đoàn, nhà sáng lập Trần Quí Thanh cho biết, tên gọi “Tân Hiệp Phát” được hiểu là hợp tác để phát triển. Vì vậy mà các cán bộ, nhân viên đến tập đoàn “không phải để làm thuê, làm nô lệ mà để cùng hợp tác” thay vì đầu tư. Theo ông, mỗi nhân viên đến Tân Hiệp Phát làm việc để hùn thời gian, hùn vốn là kỹ năng, năng lực để cộng hưởng vào sự thành công của Tân Hiệp Phát. “Do đó, cán bộ nhân viên không có tư tưởng đến làm hết giờ là về và cần chịu được những áp lực, sự vất vả. Nghĩ như vậy, mỗi chúng ta luôn suy nghĩ để mạnh dạn đi lên, luôn giành vị trí dẫn đầu để tự hào với thành quả của chính mình và cũng không mặc cảm vì chưa làm được gì nhiều. Quan trọng là thấy được mỗi chúng ta đang là thành viên đóng góp một “viên gạch” tạo nên sự phát triển của Tân Hiệp Phát” - nhà sáng lập Tập đoàn Tân Hiệp Phát chia sẻ.