Thay đổi mã vùng điện thoại cố định: Có theo nguyên tắc và cần thiết?

ANTĐ - Theo Quy hoạch kho số viễn thông mới được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, từ 1-3, mã vùng điện thoại cố định tại các tỉnh, thành phố sẽ thay đổi. Tuy nhiên còn không ít ý kiến khác nhau về vấn đề này.

Thay đổi mã vùng điện thoại cố định: Có theo nguyên tắc và cần thiết? ảnh 1Thay đổi mã vùng có giúp việc quản lý thuê bao điện thoại cố định tốt hơn?

Quy hoạch cũ thiếu hiệu quả

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay độ dài mã vùng bao gồm 1, 2 hoặc 3 chữ số, độ dài số thuê bao là 7 hoặc 8 chữ số. Cụ thể: độ dài mã vùng TP Hà Nội và TP.HCM có độ dài 1 chữ số; 37 tỉnh, thành phố có độ dài 2 chữ số và 24 tỉnh, thành phố có độ dài 3 chữ số; Về độ dài số thuê bao điện thoại cố định, TP Hà Nội và TP.HCM có độ dài 8 chữ số; 61 tỉnh, thành phố có độ dài 7 chữ số. Điều này dẫn đến độ dài quay số khi gọi đường dài trong nước hoặc gọi từ mạng di động đến thuê bao điện thoại cố định là không thống nhất, dẫn đến dễ gây nhầm lẫn và khó nhớ đối với người sử dụng dịch vụ.

Quy hoạch mới đã giải quyết bất cập này bằng việc quy hoạch độ dài mã vùng là 2 hoặc 3 chữ số, độ dài số thuê bao điện thoại cố định giữ nguyên là 7 hoặc 8 chữ số. Cụ thể: Về độ dài mã vùng, TP Hà Nội và TP.HCM có độ dài 2 chữ số; 61 tỉnh, thành phố có độ dài 3 chữ số. Về độ dài số thuê bao điện thoại cố định thì vẫn giữ nguyên như hiện tại. Như vậy, độ dài quay số khi gọi đường dài trong nước hoặc gọi từ mạng di động đến thuê bao điện thoại cố định đảm bảo thống nhất trên toàn quốc, đều là 11 chữ số bao gồm cả số mào đầu quốc gia “0”.

Nhiều băn khoăn

Ông Nguyễn Đức Khánh, giám đốc một công ty xây dựng trên phố   Hoàng Hoa Thám cho biết vừa nắm được thông tin này qua báo chí. “Như thế, công ty tôi sẽ phải in lại toàn bộ catalog, hồ sơ năng lực, danh thiếp, sửa lại biển hiệu… đây là số tiền không nhỏ. Không chỉ các doanh nghiệp tư nhân, cơ quan Nhà nước cũng phải bỏ  ra số tiền lớn.  Hiện nay đa số mọi người đều sử dụng điện thoại di động, ít gia đình còn sử dụng điện thoại cố định. Như thế việc điều chỉnh này có cần thiết?”, ông Khánh băn khoăn. 

Bà Nguyễn Thị Tuyết Vân (60 tuổi, cán bộ nghỉ hưu, trú tại Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội) cho rằng việc thay đổi đầu số khiến những người già như bà gặp nhiều khó khăn. “Như lần trước thêm mỗi số 3 thôi mà mãi tôi mới nhớ được”, bà Vân nói.

Cho rằng việc điều chỉnh lần này còn chưa làm rõ được tính khoa học, anh Nguyễn Khánh Trường Minh (chuyên gia về công nghệ) đánh giá: “Tôi nghĩ Bộ Thông tin và Truyền thông cần làm rõ việc đặt đầu số theo nguyên tắc nào, theo thông tư thì tôi thấy vẫn khó nhớ, không theo quy tắc cụ thể. Nếu dịp này thay đổi, thì nên đánh số cao dần từ Bắc vào Nam để người sử dụng dễ hình dung vùng miền. Quy hoạch lại để quản lý hiệu quả hơn là tốt, nhưng lãng phí tiền của người dân và doanh nghiệp thì cần cân nhắc kỹ”.

Trước những băn khoăn của người dân, Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, Quy hoạch   mới được ban hành trên cơ sở nghiên cứu, xem xét một cách kỹ lưỡng thông lệ quốc tế và tình hình thực tế của Việt Nam nhằm đảm bảo quy hoạch được sử dụng lâu dài. Để hạn chế tối đa ảnh hưởng không tích cực có thể phát sinh đối với doanh nghiệp và người sử dụng dịch vụ, tất cả các số thuê bao điện thoại cố định vẫn giữ nguyên không thay đổi.

 Thuê bao di động 11 số sẽ được chuyển thành thuê bao 10 số

Theo Thông tư số 22/2014/TT- về Quy hoạch kho số viễn thông của Bộ Thông tin và Truyền thông, các thuê bao 11 số sẽ được chuyển thành thuê bao 10 số. Theo đó, tất cả các thuê bao 11 số là 0166 của mạng Viettel, 0122 của VinaPhone và MobiFone, 0199 của Gtel và 0188 của                 Vietnamobile sẽ được chuyển sang thuê bao 10 số. Việc này góp phần hạn chế SIM rác, tin nhắn rác…