Thắt chặt tình thân
(ANTĐ) - Những thỏa thuận đạt được nhân chuyến thăm 2 ngày của Thủ tướng Đức A. Merkel đến Nga cho thấy quan hệ đối tác chiến lược Nga - Đức đã có bước chuyển đáng kể.
Bà A.Merkel và Tổng thống D.Medvedev thăm một nhà thờ ở Yekaterinburg |
Kể từ khi Matxcơva và Berlin tuyên bố khép lại giai đoạn băng giá sau sự kiện Nga đưa quân vào Nam Ossetia để ngăn chặn Gruzia thôn tính vùng đất đang đòi li khai này, quan hệ Nga - Đức phát triển rất nhanh. Tính chất chiến lược của mối quan hệ này không chỉ được đo bằng những chuyến thăm liên tục ở cấp cao giữa hai bên, mà còn ở những con số rất cụ thể: Đức là đối tác kinh tế chính của Nga, với kim ngạch thương mại song phương đạt 60 tỷ USD năm 2009. Tính đến cuối tháng 3-2010, đầu tư của Nga vào Đức đạt 600 triệu USD, trong khi tổng lượng đầu tư của Đức vào Nga lên tới 20,2 tỉ USD.
Tầm chiến lược của mối quan hệ này càng thể hiện rõ khi đại gia dầu khí Nga Gazprom và hai công ty Đức là E.On và BASF ký bản hợp đồng trị giá 5 tỷ USD xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc” dài 1.200km chạy ngầm dưới biển Baltic, từ thành phố Vyborg gần St Petersburg của Nga tới thành phố duyên hải Greifswald ở đông bắc nước Đức. Với công suất lên tới 55 tỷ m3 khí đốt /năm, “Dòng chảy phương Bắc” chẳng những cung cấp đủ khí đốt cho Đức, mà còn giúp Đức có thêm nguồn thu từ phí trung chuyển khí đốt sang các nước châu Âu khác.
Trong bối cảnh phải nhập khẩu tới 80% khí đốt, việc xây dựng quan hệ “đối tác chiến lược” với Nga sẽ giúp Đức ổn định được nguồn cung năng lượng. Ngược lại, Nga coi Đức là đối tác thương mại quan trọng và những ưu ái mà hai bên dành cho nhau rất nhiều. Có thể kể ra ở đây việc Nga gạt các đại gia Royal Dutch Sell của Hà Lan và BP của Anh khỏi dự án Yuzhno - Russkoye, một trong những dự án khai thác dầu lớn nhất thế giới, để dành cho E.On của Đức. Trong khi đó, gã khổng lồ công nghệ Siemens của Đức ngừng hợp tác với Areva của Pháp để chọn Rosatom của Nga làm đối tác xây dựng nhà máy hạt nhân lớn thứ 5 thế giới…
Những thông tin phát đi từ thành phố Yekaterinburg, nơi diễn ra cuộc hội đàm giữa bà A. Merkel với Tổng thống Nga D. Medvedev, sau các cuộc tham vấn, hai bên sẽ ký hơn 10 văn kiện, trong đó có nghị định thư về việc tập đoàn hàng đầu của Đức Siemens tham gia dự án khu công nghệ cao "Skolkovo" của Nga; hợp đồng Siemens cung cấp cho công ty đường sắt Nga 200 tàu hỏa trị giá 2,8 tỉ USD; tuyên bố chung về việc chuẩn bị triển lãm lịch sử - văn hóa song phương “Người Nga và người Đức: 1.000 năm lịch sử, văn hóa và nghệ thuật”…
Việc Nga - Đức thắt chặt tình thân như vậy chắn chắn không phải ai cũng hài lòng. Ba Lan, nước thu về hàng tỷ USD tiền trung chuyển khí đốt xuất khẩu của Nga sang châu Âu, đang lo ngại viễn cảnh phải ngắm nhìn người Đức thay thế mình hưởng lợi khi “Dòng chảy phương Bắc” hoàn thành. Mỹ cũng không mặn mà gì mối quan hệ Nga - Đức ngày càng thắt chặt hơn.
HOÀNG SƠN