Tháo gỡ 'điểm nghẽn', đồng hành, hướng dẫn hoàn thành nhiệm vụ của Đề án 06

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dưới sự chủ trì của Đại tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, ngày 27-3, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đã tổ chức họp đánh giá kết quả tháng 3, quý I-2024 và triển khai nhiệm vụ tháng 4.
Bộ trưởng Tô Lâm chủ trì phiên họp.

Bộ trưởng Tô Lâm chủ trì phiên họp.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Kiên Giang, Thừa Thiên Huế, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Bình Dương.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, quý I-2024 là mốc thời gian quan trọng, phải tập trung giải quyết bằng được các “điểm nghẽn” về pháp lý, kinh phí, tiêu chí, tiêu chuẩn kỹ thuật… là căn cứ xuyên suốt triển khai các nhiệm vụ trong năm 2024.

Do đó, đề nghị các thành viên của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 cũng như địa phương tham dự họp cần tập trung thảo luận, đánh giá, làm rõ những vướng mắc. Qua đó, xác định những nội dung cần đề xuất để tập trung giải quyết.

Đối với những đề xuất thuộc trách nhiệm của Chính phủ, sẽ được Tổ Công tác triển khai Đề án 06 tập hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc điều hành phần tham luận.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc điều hành phần tham luận.

Dưới sự điều hành của Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, đại diện lãnh đạo UBND TP Hà Nội, tỉnh Khánh Hòa, tỉnh Kiên Giang, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục&đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội….đã tập trung phân tích, làm rõ những vướng mắc, kiến nghị đề xuất giải pháp trên các nội dung trong triển khai Luật Giao dịch điện tử, cấp lý lịch tư pháp trên VNeID, giải quyết triệt để tình trạng “sim rác”, số hóa học bạ, đào tạo nguồn nhân lực, làm sạch, kết nối dữ liệu, quản lý lưu trú khách du lịch, sổ sức khỏe điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử kinh phí...

Đại diện các đơn vị báo cáo, tham luận tại hội nghị

Đại diện các đơn vị báo cáo, tham luận tại hội nghị

Phát biểu kết luận phiên họp, Bộ trưởng Tô Lâm biểu dương những kết quả của các bộ, ngành, địa phương đã triển khai trong thời gian qua. Đối với các nhóm nhiệm vụ còn chậm muộn, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị về pháp lý, Bộ Tư pháp khẩn trương hoàn thành rà soát, đề xuất phương án giải quyết dứt điểm đối với 428 thủ tục hành chính còn chưa thực thi phương án đơn giản hóa.

Về dịch vụ công, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị các bộ, ngành bám sát vào các danh mục 28 nhóm dịch vụ công trực tuyến ưu tiên tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia năm 2024.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng đề nghị, các bộ, ngành (Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Tư pháp) khẩn trương phối hợp với UBND TP Hà Nội tập trung thực hiện hiệu quả 9 nhiệm vụ phối hợp trong triển khai Đề án 06, làm tiền đề đẩy mạnh trên toàn quốc;

UBND các địa phương (TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Bình Dương, Thừa Thiên Huế, Quảng Ninh, Kiên Giang) nghiên cứu các nhóm tiện ích thúc đẩy Đề án 06 của UBND TP Hà Nội để tổ chức nghiên cứu, lựa chọn áp dụng triển khai phù hợp với tình hình địa bàn gắn theo 5 nhóm (pháp lý – hạ tầng – an ninh an toàn – dữ liệu – nguồn lực); tham mưu đề xuất HĐND ban hành mức phí, lệ phí “0 đồng” để thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến; khẩn trương rà soát, triển khai ngay dữ liệu đã được số hóa, làm sạch với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cắt giảm thủ tục hành chính cho người dân đảm bảo tiết kiệm, tránh lãng phí.

Cùng với đó, các bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát, kiểm tra, hoàn thành những nhiệm vụ phục vụ hiệu quả việc triển khai Luật Căn cước; dữ liệu của các bộ, ngành sớm làm sạch, kết nối và đồng bộ với dữ liệu Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; rà soát, triển khai các điều kiện về bảo đảm an ninh an toàn thông tin để kết nối, khai thác và chia sẻ; xác nhận tính pháp lý của thông tin, giấy tờ được tích hợp trên ứng dụng VNeID trong các hoạt động, giao dịch điện tử. Trong tháng 4, Bộ Công an sẽ tiếp tục công bố 9 tiện ích trên ứng dụng VNeID, phục vụ cắt giảm, không yêu cầu người dân xuất trình giấy tờ bản giấy khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Hà Nội hoàn thành 10/12 nhiệm vụ trong Đề án 06

Tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, hiện tại Bộ Công an đã làm việc với Bộ Tư pháp, thành phố Hà Nội cung cấp các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, hướng dẫn triển khai cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Đến ngày 13-3-2024, Hà Nội đã thiết lập 8,1 triệu hồ sơ sức khỏe của người dân trên địa bàn thành phố; khởi tạo dữ liệu của 7,7 triệu người dân (từ 5 tuổi trở lên) với khoảng 20 triệu mũi tiêm trên hệ thống Hồ sơ sức khỏe điện tử thành phố. Sở Y tế Hà Nội đã ban hành văn bản chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn liên thông dữ liệu khám chữa bệnh của người dân từ năm 2021 đến nay.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải tham luận từ điểm cầu Hà Nội

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải tham luận từ điểm cầu Hà Nội

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã điều chỉnh phần mềm để tiếp nhận dữ liệu từ các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) có ký hợp đồng KCB bảo hiểm y tế (BHYT) với cơ quan BHXH. Đến ngày 13-3-2024, đã kết nối, liên thông dữ liệu BHYT của 47 bệnh viện, 32 phòng khám đa khoa và 286 trạm y tế theo Quyết định số 4026/QĐ-BYT để hiển thị hồ sơ sức khỏe điện tử của công dân trên ứng dụng VNeID với 1.155.824 hồ sơ được được gửi lên Hệ thống của BHXH Việt Nam, sẵn sàng hiển thị trên ứng dụng VNeID. Đối với các cơ sở KCB chưa ký hợp đồng KCB BHYT với cơ quan BHXH, hiện BHXH Việt Nam đang chờ văn bản thống nhất phương án triển khai của UBND thành phố Hà Nội.

Hiện tại, 100% trường tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội đã chuẩn bị các điều kiện phục vụ triển khai học bạ số tại các cấp THCS, THPT. Sở Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện các phương án để tổ chức triển khai, thực hiện.

Hà Nội cũng đã sử dụng máy quét thu phí không dùng tiền mặt tại các điểm trông giữ phương tiện khu vực phủ Tây Hồ và chùa Trấn Quốc; đã thực hiện thu phí không dùng tiền mặt đối với 50% xe máy và 70% xe ô tô tại các điểm. Hiện thành phố Hà Nội đang xây dựng Hệ thống giao thông thông minh với 10 tính năng, trong đó có tính năng thu phí thông minh từ tìm kiếm đến thanh toán giá dịch vụ trông giữ xe.

Cùng với đó, đã thực hiện chi trả chế độ an sinh cho 173.044/292.471 đối tượng được thụ hưởng (đạt tỷ lệ 59,16%).

Phó Chủ tịch UBND thành phố khẳng định, hiện thành phố đã hoàn thành 10/12 nhiệm vụ trong Đề án 06, đồng thời đề xuất với Chính phủ và Tổ công tác cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; cho phép thành phố thí điểm sử dụng tài khoản giao thông thu phí khi công ty khai thác điểm đỗ thí điểm từ ngày 15-4 tại quận Hoàn Kiếm thu phí tự động…