Thảo dược không phải là hoàn toàn vô hại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hầu hết mọi người đều cho rằng các loại thảo dược có nguồn gốc từ thiên nhiên và rất an toàn khi sử dụng. Tuy nhiên, thảo dược cũng không phải là hoàn toàn vô hại. Nếu thảo dược dùng tùy tiện sẽ không kết quả mà có khi gây hại.

Thảo dược cũng chứa hoạt chất độc

Một số thuộc loại thảo dược chứa chất độc như: ma hoàng, hoàng nàn, mã tiền, cà độc dược. Ma hoàng chứa 1,3 - 1,7% ancaloid toàn phần trong đó có từ 40 - 85% ephedrin tùy thuộc loài ephedra. Ephedrin làm giãn phế quản, được dùng để chữa hen, giảm béo nhưng lại làm tăng huyết áp, gây chán ăn, kích thích khó ngủ, choáng váng, đau đầu, run rẩy, rối loạn nhịp tim, rối loạn chức năng thận, độc cho gan.

Thảo dược giúp tăng cường sức khỏe nếu dùng đúng và an toàn

Thảo dược giúp tăng cường sức khỏe nếu dùng đúng và an toàn

Có nhiều thảo dược có tính tăng cường chức năng gan nhưng nếu dùng và ngừng dùng không đúng lúc sẽ buộc gan phải làm việc quá nhiều để chuyển hóa trong khi vốn gan đã bị suy yếu sẽ bất lợi cho gan. Có nhiều loại thuốc bổ dưỡng như bổ thận âm, bổ thận dương, mỗi loại chỉ dùng cho mỗi bệnh nhất định, nhưng nhiều người tự mua dùng một cách tùy tiện.

Nguy hiểm khi tự ý kết hợp thảo dược với thuốc kê đơn

Thuốc và thảo dược đều có khả năng tương tác với nhau. Một số thảo dược có thể ảnh hưởng đến quá trình giải phóng thuốc ra khỏi cơ thể, do đó có thể làm giảm hiệu quả của thuốc. Ngoài ra, một số thảo dược có thể ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa và hấp thu thuốc trong cơ thể, dẫn đến tăng hoặc giảm nồng độ thuốc trong máu. Vì vậy, nên thận trọng, tìm hiểu kỹ về cách sử dụng và tương tác có thể giữa thuốc và thảo dược. Người già, trẻ em, người mắc bệnh mãn tính hoặc gặp vấn đề với một số loại thuốc, phụ nữ mang thai hoặc cho con bú là những đối tượng cần phải đặc biệt thận trọng trong việc tiêu thụ các sản phẩm thảo dược vì những tác động hoặc phản ứng, đôi khi nghiêm trọng.

Các thảo dược phổ biến có thể tương tác với thuốc

Tỏi. Tỏi làm giảm nồng độ lưu hành của thuốc được vận chuyển bởi protein P-gp. Do đó, không nên dùng các chất bổ sung tỏi cùng với các loại thuốc trị gout colchicine, thuốc trợ tim digoxin, thuốc chống ung thư doxorubicin, thuốc ức chế miễn dịch tacrolimus, thuốc chống loạn nhịp verapamil...

Nghệ. Curcumin là sắc tố chính trong củ nghệ có màu vàng tươi, được dùng làm gia vị và thực phẩm bổ sung. Curcumin được sử dụng như một chất bổ sung để điều trị rối loạn tiêu hóa, giảm các bệnh viêm nhiễm (ví dụ như viêm khớp dạng thấp). Nhưng nghiên cứu cho thấy chất curcumin có thể làm giảm nồng độ của một số loại thuốc chống trầm cảm và chống loạn thần.

Bạch quả Ginkgo biloba. Ginkgo biloba được sử dụng để làm giảm bớt các triệu chứng lo lắng và suy giảm nhận thức (chứng mất trí nhớ), rối loạn về mắt (bệnh võng mạc, tăng nhãn áp) và hội chứng tiền kinh nguyệt. Ginkgo là chất ức chế kết tập tiểu cầu do đó có thể làm tăng nguy cơ chảy máu, đặc biệt khi kết hợp với thuốc chống đông máu. Những người dùng thuốc chống đông máu nên tránh dùng chất bổ sung bạch quả.

Chiết xuất trà xanh. Chiết xuất trà xanh làm tăng nồng độ của thuốc hạ mỡ máu simvastatin có thể do ức chế P-gp. Mặt khác, chiết xuất trà xanh có thể có ảnh hưởng đến việc vận chuyển một số loại thuốc như thuốc kháng sinh fluoroquinolones, một số thuốc chẹn beta điều trị bệnh tim mạch, thuốc ung thư imatinib và thuốc kháng virus. Do đó, nên tránh dùng chiết xuất trà xanh với các loại thuốc này.

Cam thảo. Cam thảo có thể tương tác với các phương pháp điều trị ung thư, hóa trị, thuốc làm loãng máu và thuốc kháng viêm cortisone, nếu được dùng dưới dạng thảo dược hoặc các chất bổ sung, nhưng không phải ở dạng thực phẩm.

Tảo xoắn. Tảo xoắn cũng chứa một lượng lớn vitamin K1. Nếu được sử dụng song song với các loại thuốc chống lại sự tổng hợp vitamin K, có thể gây rối loạn. Để tránh rối loạn đông máu, nên thận trọng khi sử dụng tảo xoắn cho những người đang điều trị kháng tiểu cầu.

Cách sử dụng thảo dược hiệu quả

Chế biến cùng thực phẩm. Bổ sung thảo dược vào món sa lát, súp, nước hầm và các món khác là cách tốt nhất để hấp thu các dưỡng chất của chúng. Hương thảo, húng tây, húng quế cũng thường được dùng trong chế biến thực phẩm để tăng thêm hương vị cho thức ăn. Thảo dược cũng nên xử lý bằng tay thay vì dùng dao thái, băm để giữ được tối đa hương vị và lợi ích.

Ngâm. Ngâm các loại thảo dược trong nước hoặc các dung dịch khác để bôi tại chỗ. Các loại nước ngâm thảo dược có thể bôi lên da để điều trị dị ứng hoặc chữa bệnh. Các loại thảo dược như rau mùi, bạc hà hay húng quế ngâm cùng với chanh trong nước, sau đó có thể dùng để giảm cân hoặc tiêu hóa tốt hơn.

Tắm. Một cách sử dụng thảo dược có lợi khác là cho vào nước tắm dùng để điều trị các nhiễm trùng da và loại bỏ mùi cơ thể. Bạch đàn, cây oải hương, húng quế cũng được sử dụng trong phòng tắm thảo dược tại các cơ sở chăm sóc sắc đẹp.

Xông hơi. Hít hơi thảo dược khi bị cảm lạnh hoặc ho không chỉ giúp thông mũi mà còn nhanh chóng lành bệnh. Thêm hoa cúc, hoa oải hương hoặc lá trà xanh, lá neem để xông hơi lên mặt cũng giúp da hấp thu được tối đa những lợi ích từ thảo dược.