- Trung Quốc: Xe tải bốc cháy khiến hàng ngàn con vịt sống thành vịt nướng
- Trung Quốc càng "thèm khát" độc chiếm Biển Đông
- Cậu bé 5 tuổi cứu bà thoát khỏi đám cháy
Hồ Bellandur lớn nhất thành phố Bangalore bỗng dưng bốc cháy hôm 16-2
Bangalore được coi là Thung lũng Silicon của Ấn Độ, cũng là nơi từng được mệnh danh là “thành phố của những chiếc hồ”. Theo các nhà nghiên cứu của Viện Khoa học Ấn Độ, hỗn hợp đủ loại hóa chất trong hồ đã tạo ra một môi trường mà chỉ cần một tác nhân nhỏ cũng có thể khiến đám cháy bùng lên.
Nhưng đây không phải là lần đầu tiên hồ này bốc cháy. Nó từng xảy ra vào tháng 5-2015. Một vài ngày sau đó, người ta thấy mặt hồ phủ bọt như tuyết, mặc dù giữa mùa hè. Lượng bọt khổng lồ này do hóa chất thải đổ vào hồ và đủ độc để làm vỡ kính chắn gió và khiến cư dân xung quanh gặp những vấn đề nghiêm trọng về hô hấp.
“Cái chết” của hồ ô nhiễm
Tiến sĩ T.V. Ramachandra, điều phối viên của Nhóm nghiên cứu về năng lượng và đất ngập nước tại Viện Khoa học Ấn Độ (IISc), đã nghiên cứu các hồ ở Bangalore, đặc biệt là hồ Bellandur và Varthur trong hơn 20 năm qua. Ông giải thích rằng, mỗi ngày, hồ Bellandur nhận khoảng 400 đến 600 triệu lít nước thải chưa qua xử lý, tạo ra một môi trường lý tưởng cho các thảm họa như cháy và bọt.
“Toàn thành phố phát sinh khoảng 1.400 đến 1.600 triệu lít nước thải chưa qua xử lý mỗi ngày. Trong khi, hồ Bellandur hứng thêm 20 - 30 triệu lít nước thải từ các khu căn hộ lân cận. Các loài thực vật như lục bình phát triển trong hồ mạnh đến mức đủ dày để người ta có thể đi bộ trên đó, chưa kể đủ loại chất thải rắn khác đổ trên mặt hồ. Mặt hồ bị lấp kín, tạo ra một môi trường hiếm khí phía dưới, nhất là khí mêtan. Nó tạo ra một môi trường lý tưởng cho việc bắt lửa”, ông T.V. Ramachandra nói.
“Chất thải bất hợp pháp, chưa xử lý tại Bangalore - Thung lũng Silicon của Ấn Độ đang tạo ra một cuộc khủng hoảng nước đe dọa sức khỏe của người dân và khiến những chiếc hồ nổi tiếng ở đây bắt lửa”
Độc tố trong hồ len lỏi trong không khí được cho là liên quan đến nhiều ca bệnh về phổi trong thành phố gần đây. Ông Aaditya Sood, một chuyên gia IT chứng kiến lửa bốc lên giữa Bellandur từ ban công tầng 10 cho biết, ông đã thấy hồ nước bị “nghẹn” suốt thời gian ông chuyển về sống 7-8 năm nay.
“Tôi có 2 con và đều gặp vấn đề về đường hô hấp”. Một cư dân khác, Vandana Sinha, làm việc cho một công ty tư vấn, nói rằng khói từ đám cháy hôm đó làm cho cô cảm thấy ngứa họng ngay lập tức. Nói thêm về tình trạng ô nhiễm của hồ này, cô cho biết nghe nói mỗi đêm có 7-8 xe tải chở rác đổ xuống hồ.
Viễn cảnh không còn người ở
Rất lâu trước khi chìm trong cái chết chậm chạp và đau đớn của nó, Bellandur nằm trong hệ thống cung cấp nước và tưới tiêu thông minh do những nhà sáng lập của Bangalore xây dựng hồi đầu thế kỷ 17. Người ta tạo ra một hệ thống đê, đập để dẫn nước vào các hồ, mỗi hồ sẽ thu hoạch nước mưa trong lưu vực của nó, nếu tràn sẽ đổ vào hồ ở mức thấp hơn.
Năm 1970, thành phố này vẫn còn 285 hồ, đủ để tự túc nhu cầu về nước nhưng đến nay chỉ còn 194 hồ, phần lớn là nơi chứa rác thải. Hồ biến mất để nhường chỗ cho nhu cầu đô thị hóa, xây dựng nhà ở cho một thành phố 10 triệu dân, nhất là trong sự trỗi dậy của ngành công nghệ thông tin từ sau những năm 1990.
Các công ty phần mềm ở Bangalore nổi lên trong thời đại công nghệ số đã thu hút hàng trăm nghìn chuyên gia IT từ khắp đất nước Ấn Độ. Ngoài việc triệt tiêu thảm thực vật để nhường chỗ cho các công trình xây dựng, sự gia tăng của ngành CNTT cũng dẫn đến hệ quả là chất thải điện tử. Một báo cáo năm 2013 ước tính rằng, Bangalore tạo ra 20.000 tấn chất thải điện tử mỗi năm.
Mặc dù, thành phố đã thành lập hệ thống tái chế chính thức, nhưng 90% lượng chất thải điện tử vẫn được xử lý qua những kênh phi chính thức. Những cơ sở này không đủ các biện pháp an toàn cần thiết, vì thế quá trình đốt linh kiện điện tử cũ cũng giải phóng chì, thủy ngân và các chất độc khác vào không khí và phần chất thải rắn còn lại đem chôn lấp sẽ tạo ra ô nhiễm, xâm nhập nước ngầm.
Bangalore có nhiều cơ quan cùng quản lý hồ, vì vậy khi xảy ra sự cố, các bên đều đổ lỗi cho nhau. Theo chuyên gia T.V. Ramachandra, trách nhiệm không chỉ ở đơn vị cung cấp nước, quản lý nước thải mà còn ở ủy ban kiểm soát ô nhiễm bang khi không kiểm soát được nước thải công nghiệp chưa qua xử lý đưa vào hồ. Nếu vấn đề ô nhiễm nước hồ không được xử lý kịp thời, người ta tin rằng, một cuộc khủng hoảng nước nghiêm trọng sẽ làm cho Bangalore trở thành nơi không có người ở vào năm 2025.