Thành lập Cục Đường cao tốc, “xóa sổ” Tổng cục Đường bộ Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo Nghị định về sắp xếp lại bộ máy, tổ chức của Bộ GTVT vừa được Chính phủ ban hành, Tổng cục Đường bộ tách thành Cục Đường bộ và Cục Đường cao tốc Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ GTVT được giao quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của hai Cục nói trên. Các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục duy trì hoạt động đến khi cơ quan có thẩm quyền hoàn thành việc sắp xếp.

Theo đề án do Bộ GTVT xây dựng, Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam có 5 phòng là Tổ chức - Hành chính; Pháp chế - Thanh tra - An toàn; Quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc; Kế hoạch - Tài chính và Quản lý đầu tư xây dựng. Bên dưới có ba Chi cục Quản lý đường bộ cao tốc 1, 2, 3 và Trung tâm Điều hành giao thông đường bộ cao tốc (ITS).

Cục sẽ theo dõi, bảo trì, khai thác và quản lý nhà nước trên các tuyến cao tốc hiện có, gồm 209 km do Nhà nước đầu tư; 245 km theo hình thức BOT và khoảng 773 km do địa phương và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đầu tư.

Chính thức "xóa sổ" Tổng cục Đường bộ Việt Nam, thành lập Cục Đường cao tốc

Chính thức "xóa sổ" Tổng cục Đường bộ Việt Nam, thành lập Cục Đường cao tốc

Cục Đường bộ Việt Nam có khối phòng ban tham mưu tương tự, thêm phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái; Khoa học công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế. Bên dưới có 7 Chi cục là I, II, III, IV, V, VI và Chi cục Quản lý đầu tư xây dựng đường bộ.

Với số biên chế cơ quan hành chính năm 2022 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam là 728, dự kiến Cục Đường bộ Việt Nam sẽ có 558 người và Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam có 170 người.

Theo Nghị định này, Cục Y tế giao thông vận tải sẽ xóa bỏ, nhưng được duy trì hoạt động cho đến khi Bộ hoàn thành bàn giao cơ sở y tế thuộc Cục về địa phương quản lý. Thay vào đó, Trung tâm Y tế - Môi trường lao động giao thông vận tải sẽ được thành lập. Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông đổi tên thành Cục Quản lý đầu tư xây dựng.

Như vậy, từ một Tổng cục và 7 Cục, sau khi sắp xếp, Bộ GTVT có 8 Cục và không có cấp Tổng cục.