Thanh Hóa: Hàng loạt ô tô, máy xúc chìm trong "biển nước" vì thủy điện bất ngờ tích nước

ANTD.VN -  Những ngày gần đây, phía thượng nguồn của Nhà máy thủy điện Cẩm Thủy 1 (xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa) xuất hiện cảnh tượng xe tải, máy xúc bị nhấn chìm trong nước khi chủ đầu tư dự án Nhà máy thủy điện Cẩm Thủy 1 bắt đầu tích nước để hoạt động sản xuất điện.

Chiếc máy xúc đang chìm dần khi ngày nước dâng cao

Khu vực có các xe tải, máy xúc bị nước hồ nhấn chìm là vùng lòng hồ của dự án Nhà máy thủy điện Cẩm Thủy 1. Những phương triện trên là của một đơn vị trước đó được cấp phép khai thác mỏ cát.

Theo quan sát của phóng viên, tại vị trí bãi Gò Khai, xã Cẩm Thành là mỏ cát 121, được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép cho Công ty TNHH hai thành viên Thái Dương 68 (Cty Thái Dương 68) theo Giấy chứng nhận đầu tư số 74/GP-UBND (ngày 18-7-2014).

Trao đổi với phóng viên, ông Phương Văn Tiến, đại diện của Cty Thái Dương 68 cho biết, số xe ô tô tải, máy xúc đang “nổi” ở lòng hồ thủy điện Cẩm Thủy 1 là tài sản của công ty.

Theo ông Tiến, vào khoảng 6h30’ ngày 24-11, khi ông Tiến cùng một số công nhân ra khai trường thì bất ngờ phát hiện toàn bộ thiết bị máy móc của công ty bị thủy điện tích nước nhấn chìm.

Tương tự những chiếc xe ô tô tải cũng chung số phận đang bị nhấn chìm

Tài sản bị nhấn chìm gồm: 2 máy xúc hiệu Hitachi, 02 xe tải Huyndai (loại 18 tấn), biến thế, tủ điện…. tổng giá trị thiệt hại ước tính ban đầu là gần 10 tỷ đồng. Vụ việc này ngay sau đó đã được công ty báo cáo với chính quyền địa phương.

Trao đổi với phóng viên về vụ việc trên, ông Cao Minh Tự, Chủ tịch UBND xã Cẩm Thành cho biết, chính quyền đã nắm bắt được thông tin về việc này và đã cho cán bộ ra kiểm tra.

“Đúng là có việc chủ đầu tư dự án Nhà máy thủy điện Cẩm Thủy 1 tích nước. Khi có kết quả kiểm tra chúng tôi sẽ thông tin lại”, Chủ tịch UBND xã Cẩm Thành nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án Nhà máy thủy điện Cẩm Thủy 1 được xây dựng trên địa bàn các xã Cẩm Bình, Cẩm Lương (đều thuộc huyện Cẩm Thủy). Thủy điện có công suất lắp máy là 28,8 MW.

Theo ước tính, số tài sản của Cty Thái Dương 68 sẽ bị thiệt hại lên tới hơn chục tỷ đồng

Chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Hạ tầng và Giao thông Intracom làm chủ đầu tư. Dự án gồm nhà máy, đập tràn, đập dâng, đập xả lũ, xả cát, kênh dẫn nước, âu thuyền, 2 tổ máy phát điện, trạm biến áp và đường dây kết nối 110 KV... tổng mức đầu tư trên 1.300 tỷ đồng, tổng diện tích đất thực hiện dự án là 481 ha.

Dự kiến khi đi vào hoạt động, mỗi năm Nhà máy thủy điện Cẩm Thủy 1 sẽ sản xuất 120 triệu KWh điện. Dự án thủy điện Cẩm Thủy 1 được khởi công từ năm 2013, tổng số hộ dân phải di rời là 1.206 hộ. Mục tiêu ban đầu của dự án đến năm 2016 sẽ hoàn thành.

Tuy nhiên, lý do dự án bị chậm tiến độ do vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Những hộ dân bị thu hồi đất cho rằng, mức đền bù thấp, số tiền đền bù không đủ mua đất nơi ở mới và khó khăn trong việc kiếm kế sinh nhai.

Chiếc xe ô tô tải hiệu Huyndai loại 18 tấn đang chìm dần trong "biển nước" khi Nhà máy điện Cẩm Thuỷ 1 bất ngờ tích nước để sản xuất điện

Không chỉ khó khăn trong giá đền bù thấp, việc nhường đất cho nhà máy Thủy điện khiến người dân đối mặt với nhiều nguy cơ khi sinh kế cũ bị phá vỡ. Ngoài 29 hộ dân thuộc 4 xã thuộc huyện Cẩm Thuỷ gồm: Cẩm Thành, Cẩm Bình, Cẩm Lương, Cẩm Thạch chậm được bồi thường và di dời, tại xã Cẩm Thành, còn có mỏ cát số 121 của Cty Thái Dương 68.

Do trước đó, UBND tỉnh Thanh Hóa cấp giấy phép khai thác mỏ cát này. Đây là vị trí nằm trong khu vực lòng hồ thủy điện đã được Sở Công Thương xác định ranh giới và UBND huyện đã có thông báo thu hồi đất.

Đến tháng 5-2017, UBND tỉnh Thanh Hóa có công văn chỉ đạo UBND huyện Cẩm Thủy thu hồi đất thuộc mỏ cát 121, phía Cty Thái Dương 68, yêu cầu bồi thường máy móc, thiết bị khai thác cát, sỏi hoặc cấp vị trí mỏ mới cho công ty. Tuy nhiên, UBND huyện Cẩm Thủy đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên nhưng vẫn chưa được giải quyết.