"Thánh địa vàng" tan hoang, "chảy máu"

ANTĐ - Núi sông hoang tàn, tài nguyên rừng, khoáng sản tại khu bảo tồn thiên nhiên sông Tranh vẫn đang “chảy máu” mỗi ngày.

Máu, nước mắt vẫn đổ trên các bãi vàng của Quảng Nam mà “điểm nóng” là vùng rừng giáp ranh Phước Sơn và Nam Giang, dọc dòng sông Thanh. Núi sông hoang tàn, tài nguyên rừng, khoáng sản “chảy máu” mỗi ngày. Báo chí lên tiếng nhiều, chính quyền các cấp của tỉnh Quảng Nam vào cuộc tuyên chiến, xóa bỏ đại nạn “vàng tặc”, nhưng xem ra giải được bài toán này không dễ. Chuyến công tác những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8 mới đây, chúng tôi tiếp tục ghi lại những thực tế ở điểm nóng “thung lũng vàng”...

Trước lúc vào các bãi vàng Phước Sơn, Nam Giang, chúng tôi nhận được không ít lời cảnh báo nguy hiểm từ các cơ quan chức năng H. Phước Sơn. Khi còn đang mặc cả mức giá mỗi ngày ra vào bãi vàng với cánh “đại bàng rừng” (xe ôm), chúng tôi hay tin ngày hôm sau sẽ có đoàn truy quét bãi vàng của BĐBP tỉnh, trong đó có lực lượng BĐBP xã Đắc Ring, H. Nam Giang nên tức tốc qua Nam Giang, vượt núi tới Đắc Ring xin nhập cuộc.

Ngày mới cuối tháng 7, rẻo cao Đắc Ring lạnh ngắt khi bình minh ló dạng. Cơm đùm cơm nắm xong, hơn 15 người trong đoàn lên đường. “CBCS tháng nào chẳng đi truy quét ở bãi vàng nên quen rồi, chỉ sợ các phóng viên thôi. Phải cẩn thận đấy, đường đi trắc trở, gặp mưa rừng khổ lắm” - lãnh đạo đồn nhắc nhở. Quả thực, dù trời không mưa nhưng chúng tôi và các thành viên trong đoàn vẫn bị vắt rừng, ruồi vàng tấn công. Hơn nửa ngày cắt rừng, vượt suối, đoàn tiếp cận khu vực giáp ranh các xã Đắc Ring, Đắc Pre, H. Nam Giang. Những lán trại của dân thổ phỉ (dân khai thác vàng trái phép) lác đác xuất hiện. CBCS đến hồi cơ cực, vừa đẩy đuổi, vừa hủy lán, thu tang vật đào đãi vàng. Tiến sâu hơn chừng 1km, nhiều héc-ta rừng bị băm vằm nham nhở hiện lên như một bãi chiến trường.

Dưới miệng hố sâu vài chục mét, Vi Văn Hoài (1991, quê Yên Na, Tương Dương, Nghệ An) giật thót mình khi đoàn xuất hiện bất ngờ. Mắt Hoài thất thần, run bần bật lúc đối mặt với CBCS đội truy quét. Hoài run run xin tha và hứa sẽ ra ngay khỏi rừng. Có đến tận nơi mới thấy xót xa, những cánh rừng nguyên sinh nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Sông Thanh nham nhở với hàng trăm hố vàng sâu hoắm, đen ngòm được dân thổ phỉ đục khoét dọc ngang. Như lời những ông chủ lán trại đào đãi vàng thì tất cả đều do giấc mộng muốn đổi đời, đặc biệt là cơn lốc giá vàng thời gian gần đây khiến ai cũng liều mình dấn thân vào bãi thăm dò, khai thác. Biện minh cho hành vi của mình, chủ lán Nguyễn Văn Diệm (quê Giao Lạc, Giao Thủy, Nam Định) nhăn mặt rên rỉ, nào quê nhà khổ lắm, bước đường cùng phải vào khai thác vàng trái phép, vì mẹ già, con thơ... Nghe chúng tôi đặt câu hỏi: Có biết đào đãi như vậy là trái phép, hủy hoại nghiêm trọng môi trường không? Diệm cùng những phu vàng của mình đồng thanh “dạ biết” nhưng lỡ rồi xin được tha. Năm 2010, Diệm tuyển được 13 người cùng quê miền Bắc vào bãi vàng. Bản thân Diệm vốn là dân nghiện, luôn mang theo bên mình những đợt lên cơn triền miên, ai dám chắc ông chủ lán này quản lý tốt các phu vàng, tiền công sòng phẳng. Để thỏa mãn thú vui với nàng tiên nâu và kinh phí gửi về “nuôi mẹ già, con thơ”, đội quân của Diệm thẳng tay xé nát lòng suối, bìa rừng.

KBTTN Sông Thanh bị băm nát.

KBTTN Sông Thanh bị băm nát. 

Lực lượng kiểm tra phát hiện kho lương thực gần 3 tấn được giấu trong rừng sâu.

 Lực lượng kiểm tra phát hiện kho lương thực gần 3 tấn được giấu trong rừng sâu.

Lực lượng chức năng phá hủy lán trại của dân thổ phỉ.

Lực lượng chức năng phá hủy lán trại của dân thổ phỉ. 

Theo ghi nhận của chúng tôi, sức tàn phá của dân thổ phỉ săn vàng nơi đây đã để lại không ít hậu họa. Những điểm nóng như suối Ring, Khe Cọp, Khe Nhớp… nằm trong vùng lõi của KBTTN Sông Thanh hầu như đã bị cày xới tan tành, cây rừng bị chặt hạ ngổn ngang, nhiều cây cổ thụ với các loại gỗ quý bị bật gốc. Cũng nơi ấy, những con suối vốn hiền hòa mát rượi, nay đã đỏ ngầu, giận dữ vì nạn đào đãi vàng trái phép, môi trường sống bị hủy hoại nghiêm trọng.

Thiếu tá Hồ Văn Phú - Phó trưởng Phòng Phòng chống tội phạm và ma túy BĐBP tỉnh Quảng Nam, đội trưởng truy quét bức xúc: Nhiều năm trở lại đây, lực lượng BĐBP tỉnh đã phối hợp các ngành liên quan mở nhiều đợt truy quét, đẩy đuổi hàng nghìn đối tượng khai thác vàng ra khỏi địa bàn khu vực biên giới, tịch thu, phá hủy nhiều phương tiện đào đãi vàng, đồng thời xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Thế nhưng chúng vẫn lén lút vận chuyển máy móc, thiết bị vào tổ chức khai thác làm cho tình hình trật tự trị an nơi đây diễn biến phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng cho môi trường sinh thái. Đợt truy quét này, lực lượng BĐBP đã bắt quả tang, lập biên bản vi phạm 12 đối tượng là chủ lán trại; đốt, tiêu hủy 30 lán trại, 54 máy nổ, máy phát điện, gần 2 tấn dầu diesel, 16 tấm thủy ngân dùng để phân kim và nhiều tang vật khác. Ngoài ra, lực lượng còn đẩy đuổi hơn 200 đối tượng làm vàng trái phép ra khỏi khu vực biên giới.

Với diện tích vùng đệm và vùng lõi hơn 200.000ha, KBTTN Sông Thanh có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Riêng khu vùng lõm được chia thành 2 khu bảo vệ nghiêm ngặt với 75.373ha và khu phục hồi sinh thái với 17.512ha. Hệ động vật rừng đa dạng với 53 loài thú, 183 loài chim, 44 loài bò sát, 21 loài lưỡng cư, 25 loài cá..., có cả sự hiện diện của nhiều loài thú lớn, hiếm như hổ, báo, voi, voọc cá chân nâu, voọc cá chân xám, mang Trường Sơn... ; 831 loài thực vật, trong số đó có 14 loài động vật và 38 loài thực vật có tên trong Sách Đỏ Việt Nam, nên cần lắm sự chung tay gìn giữ của các ban, ngành chức năng các cấp.

Cũng theo đánh giá của BĐBP và ghi nhận của chúng tôi, mức độ khai thác vàng của dân thổ phỉ rất quy mô, có sự tính toán kỹ lưỡng. Chúng hoạt động theo nhóm, lúc có động tĩnh thì “ém quân” giữa rừng sâu. Tại các lán trại, lực lượng truy quét còn bắt gặp nhiều xấp giấy mời mà các chủ bãi và các phu vàng thân cận mời “khánh thành” … lán mới!

Chưa hết, trong quá trình truy đuổi các đối tượng làm vàng, lực lượng BĐBP còn phát hiện nhiều địa điểm trong rừng sâu làm “kho” cất gần 2.000 lít dầu diesel và 3 tấn lương thực gồm gạo và thức ăn khô. Tại khu vực suối Ring, ông Nguyễn Viễn - Phó Giám đốc Sở TN-MT, Trưởng đoàn khảo sát liên ngành tỉnh Quảng Nam đã phải thốt lên: Khiếp thật! Mức độ khai thác còn quy mô hơn cả những nơi được cấp phép, mai này còn đâu núi rừng!”.

Để cứu rừng, ngay sau đợt truy quét dọc địa bàn 2 xã biên giới Đắc Pring, Đắc Pre và một số khu vực H. Phước Sơn, lực lượng BĐBP đã cử một tiểu đội chốt chặn tại các khu vực trọng yếu nhằm tránh tình trạng các đối tượng đào đãi vàng lén lút quay lại khai thác. Tuy nhiên, một thực tế thì ai cũng biết rằng lực lượng BĐBP không thể “cắm” mãi ở đây, nên những đối tượng khai thác vàng sẽ quay lại khi lực lượng “chốt” rút đi, rừng sẽ lại bị tàn phá.

Bài toán giữ lá phổi xanh và môi trường sống trong lành cho các loài động, thực vật đang được bảo tồn trong KBTTN Sông Thanh đang là việc làm cấp bách, cần thiết có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng, qua đó lập lại trật tự trị an, mang lại sự bình yên nơi núi rừng biên cương của Tổ quốc…

(Còn nữa)