Tháng này mình phải đi ăn mấy đám cưới?

ANTĐ - Bây giờ nhà nào cũng phải hỏi nhau như thế vào mùa cưới. Tuần qua tôi phải đi ăn tới 4 đám cưới. Còn nhiều lý do để tuần tới, tháng tới, năm tới bạn vẫn phải đi ăn cưới. Vâng, ăn cưới chứ không phải là dự đám cưới. Do đó, tôi không dám bàn là có nên duy trì tập quán này không, dù biết khá là tốn kém cho cả hai nhà trai gái lẫn khách khứa. 

Thường thì ngày cưới đã được xem giờ đẹp trước, đón dâu giờ đã định. Nhưng còn giờ ăn uống của quan viên hai họ, bạn bè gần xa, nhất là ở thành phố thì phải theo giờ nhà nước, nghĩa là tầm 11h trưa và 6h chiều, giờ mà mọi người có thể đến được, tất nhiên là trùng giờ ăn cơm của người ta nữa. Nhà thành phố thường chật, mà có rộng cũng không tiện để bày cỗ bàn, nên hầu hết thuê nhà hàng, vừa long trọng, vừa đỡ khoản dọn dẹp. Nhà hàng chuyên cho thuê đám cưới luôn đắt khách, nên tranh nhau đặt chỗ trước cả tháng. Giờ ăn cưới còn kèm thêm cả một tiết mục nữa,  đợi đủ người, đợi người quen, buôn chuyện làm ăn các ông, chuyện chồng con các bà, chuyện cô dâu hôm nay thuê váy hết bao nhiêu của các nàng chưa chồng…

Rồi cũng đến lúc vào bàn. Khách dợm ghé người ngồi vào ghế, cởi áo khoác, vén tay áo, ngắm mâm một lượt. Nào, bốn bát đủ chưa: bóng, mọc, măng, miến, cũ lắm rồi, ở quê giờ cũng chẳng làm thế nữa. Giờ thì có canh bóng mọc hoa lơ nấm hương mộc nhĩ trứng cút tôm khô đậu ván cà rốt tỉa hoa xòe giữa bát đại tướng. Vì có đồ uống có ga như bia Hà Nội, Cô Ca, Bảy Úp nên bớt đi các bát canh. Sáu đĩa: xưa là giò lụa, giò thủ, thịt gà luộc hay thịt lợn quay, đĩa bò xào cần tây, nay thì đâu cũng có cá sốt ngũ liễu, nem bơ Kim Liên, tôm viên tuyết hoa, bò sốt tiêu đen, vv… Ăn đi ăn lại, ăn tái ăn hồi, đến mức cầm cái thực đơn lên liếc qua cũng thấy quen, và ngấy đến tận cổ.

Đám cưới là nơi điểm danh xem ai còn đủ gan độc thân. Thế nên ai mà độc thân chưa rõ lý do là rất lười đi ăn cưới, mà có thể đi vào tối hôm trước tại nhà, hay gửi quà trước. Đến ăn cưới là phải ngồi vào bàn ăn với tất cả sự diễn xuất, từ cách gật đầu chào, cho đến cách bày tỏ sự chia vui với dâu rể. Còn thì đương nhiên là nếu có gì thì phải tốt đẹp phô ra (không đẹp thì phải đậy lại), oai nhất là cha nào diễu xe hơi đến, vợ chồng con cái lốc nhốc kéo nhau hùng dũng vào đại sảnh trước sự trầm trồ của đám thực khách. Cô dâu xốc váy tất tả chạy đến. Rồi VIP này phải chụp vài “bô” ảnh với cả nhà. 

Nói đi nói lại, người ta đến đám cưới nhiều khi thực tâm không phải vì chuyện ăn uống mà vì nhu cầu giao tiếp xã hội. Chuyện ăn sơn hào, hải vị cũng không còn quá khó khăn như thời đói kém xưa kia, nhưng gặp bà con họ hàng, người đằng trên đằng dưới lại là mong muốn của người đi ăn cưới, nó gồm đủ các quan hệ xã hội. Ở đấy, như một loại “hành lang nghị sự” hay “diễn xướng dân gian”, điệu đà hay bỗ bã, kiểu cách hay vồ vập, đều có nhu cầu mượn đám cưới để trình bày. Cho nên muốn bỏ đám cưới tưng bừng ăn uống đi, chỉ làm tiệc ngọt hay là báo hỉ “tiền trảm hậu tấu”, thì phải máu lạnh gạt hết những quan hệ rườm rà, can đảm bỏ đi lối nghĩ, “đã làm chuyện lớn ắt phải hoành tráng”..