- Dài là dài thế nào, cũng ngần ấy ngày, lại còn được ăn được uống thả phanh, được “phạm” một vài thứ ngày thường vợ cằn nhằn, cấm đoán, được đi muộn về sớm mà “sếp” cũng bỏ qua. Khối người mong tháng nào cũng là tháng Giêng đấy!
- Thế thì chỉ có nước “đổ thóc giống ra mà ăn”. Làm chẳng ra làm, chỉ chăm chăm đền nọ chùa kia, rồi cướp ấn, cướp lộc, cờ bạc, rượu chè. Tôi đồ rằng chẳng có thần Phật nào nhọc công giúp đỡ những người chỉ lo thu vén cho mình mà bất chấp lợi ích của cộng đồng, biến những nơi chốn tâm linh thành cái chợ bát nháo.
- Tôi cũng nghĩ thế, nhưng có người ngụy biện rằng các cụ bảo: “Muốn tả tơi thì đi chơi hội”, nên mặc nhiên coi chuyện “cướp” lộc là phong tục!?
- Vớ vẩn, “tả tơi” khác với ẩu đả máu đổ xương gãy, với lại chuyện “cướp” thì chẳng có thời nào được khuyến khích, người ta chỉ dám xin chút lộc rơi lộc vãi gọi là.
- Đến “lộc” mà nhiều người còn tham, còn tranh giành nhau thì chẳng biết thế nào. Hôm nay mới là Rằm tháng Giêng, không khí Tết nhiều nơi chưa nhạt, lễ hội thì ngày càng tưng bừng, cả nước có tới gần 8.000 lễ hội mà chủ yếu vào mấy tháng đầu năm, không biết còn những chuyện dở khóc dở cười nào không, không biết cuối năm có bao nhiêu người “đổi đời” nhờ những thứ “lộc” cướp được hay không?
- Hay, đề tài cho một luận án Tiến sĩ đấy!
- Còn nữa, ngày xưa tháng Giêng là tháng lúa đã cấy xong, ngày nông nhàn nên các cụ gọi là “tháng ăn chơi”, chứ bây giờ cứ cái kiểu này thì tháng Giêng là tháng hành xác, khổ ải, tốn kém. Ôi, bao giờ cho hết tháng Giêng!