Thận trọng khi cho trẻ dùng điện thoại

ANTĐ - Để tiện việc liên lạc, đưa đón con gái đang học lớp 6, anh Nguyễn Văn Thịnh, ở phường Phương Mai, quận Đống Đa đã sắm cho con một chiếc điện thoại di động (ĐTDĐ). Tuy nhiên, cách đây 2 ngày, cô bé bỗng tâm sự với bố: “Có một anh nhắn tin mời con đi uống nước” khiến anh Thịnh rất lo lắng…

Thận trọng khi cho trẻ dùng điện thoại ảnh 1
Các bậc phụ huynh chỉ nên trang bị cho con em mình ĐTDĐ
khi đã cân nhắc về sự cần thiết và lợi - hại (Ảnh minh họa)


Lợi bất cập hại

Hỏi rõ đầu đuôi câu chuyện anh Thịnh được con gái kể lại, cách đây 1 tuần trong lúc chờ bố đến đón ở cổng trường, một thanh niên khoảng 20 tuổi lấy lý do máy điện thoại của mình bị hết pin đã hỏi mượn điện thoại của cô bé để gọi cho một người bạn. Tuy nhiên, 2 hôm sau, cô bé nhận được một cuộc điện thoại lạ của một thanh niên tự xưng là người đã mượn điện thoại hôm trước, tỏ ý muốn mời cô bé đi uống nước để cảm ơn. Vì đã được bố mẹ cảnh báo không được đi chơi với người chưa quen nên con gái anh Thịnh không đồng ý, nhưng thanh niên này vẫn tiếp tục nhắn tin địa điểm quán cà phê để hẹn cô bé. “Cũng may vợ chồng tôi luôn tâm sự và trò chuyện với con mỗi ngày nên có chuyện gì xảy ra ở trường là con bé đều về kể cho bố mẹ nghe ” - anh Thịnh thảng thốt.

Ngay sau đó, anh Thịnh đã gọi điện cho thanh niên này để “cảnh cáo” nhưng không thể liên lạc được. Lo lắng con gái mình có thể bị người thanh niên lợi dụng làm chuyện xấu, anh Thịnh đã đến cơ quan công an phản ánh sự việc. Tại cơ quan công an, lý do mà người thanh niên này đưa ra là muốn làm quen với cô bé và sự việc cũng chưa đi quá xa nên anh ta chỉ bị nhắc nhở, giáo dục. 

Theo nhiều bậc phụ huynh, trẻ thường rất hiếu động, ưa khám phá, nghịch ngợm, thậm chí chưa ý thức được những việc chúng làm. Do đó chiếc điện thoại là thiết bị liên lạc giúp các bậc phụ huynh có thể kiểm soát được con mình ở đâu, làm gì. Theo khảo sát của chúng tôi, nhiều học sinh cấp 2, cấp 3 sử dụng ĐTDĐ đều lý giải rằng bố mẹ sắm điện thoại là để tiện liên lạc khi đưa đón hoặc kiểm soát việc học hành và vui chơi của các em. Chị Nguyễn Thị Nhung, ở phường Thuỵ Khuê, quận Tây Hồ cho hay, vẫn biết bố mẹ không nên sắm ĐTDĐ, nhưng nếu không có nó, chị sẽ rất vất vả đưa đón con sau giờ tan trường. “Con trai mới học lớp 7 nhưng chiều và tối cháu đều đi học thêm. Lịch học thêm ở các trung tâm thay đổi liên tục, có lúc giáo viên cho về sớm, khi lại muộn hơn nên buộc lòng tôi phải sắm ĐTDĐ cho cháu để dễ dàng liên lạc” – chị Nhung giãi bày. 

Miếng mồi béo bở

Không dừng lại ở chức năng nghe gọi, không ít em đã rơi vào tình trạng “nghiện” khám phá các chức năng tiện ích của “dế yêu” như xem phim, nghe nhạc, lướt web, thậm chí vào các trang web không phù hợp với lứa tuổi. Không chỉ có vậy, nhiều em còn xem điện thoại là đồ “trang sức”, là phương tiện thể hiện đẳng cấp. Em Nguyễn Thanh Mai, học sinh một trường THCS ở quận Ba Đình thừa nhận, một trong những lý do em thuyết phục được bố mẹ mua cho mình một chiếc điện thoại đắt tiền là bởi nó có thẻ nhớ để ghi âm khi học tiếng Anh hoặc lướt web tra cứu tài liệu phục vụ cho việc học tập. Nghe có vẻ hợp lý nên không ít phụ huynh “nhắm mắt” chiều theo ý thích của con em mình. Và những chiếc điện thoại đắt tiền mà các em sử dụng chính là miếng mồi ngon cho những đối tượng trộm cắp, cướp giật. 

Chị Nguyễn Thanh Thủy, ở quận Hai Bà Trưng cho hay, chỉ trong vòng 1 năm mà con gái chị đã làm mất 3 chiếc điện thoại iPhone vì những lý do khác nhau. Một lần đang mải nhắn tin khi đang đi bộ trên đường, cô bé đã bị một thanh niên giật điện thoại, rất may chỉ bị xây xước nhẹ. Lần khác, cô bé lại quên ĐTDĐ ở hiệu sách, còn mới đây nhất là cho bạn mượn, rồi bạn làm mất. Tuy nhiên, do chiều con nên chị Mai vẫn tiếp tục sắm cho cô bé chiếc điện thoại đắt tiền mà không biết rằng đang làm hại con mình.

Theo cô Nguyễn Thu Phương, giáo viên trường THCS Thanh Quan, quận Hoàn Kiếm thì hiện có không ít bậc phụ huynh cho rằng việc sắm cho trẻ một chiếc điện thoại là điều cần thiết giống như mua một món đồ chơi hay dụng cụ học tập. Dù ĐTDĐ là một phương tiện liên lạc vô cùng hữu ích, nhưng việc sử dụng đúng mục đích là điều không hề đơn giản. Nếu sử dụng không đúng cách, tâm lý các em có thể bị ảnh hưởng bởi những luồng thông tin xấu từ những trang web có nội dung không lành mạnh. Bên cạnh đó, việc các bậc phụ huynh nuông chiều con em mình bằng cách sắm cho các em những chiếc điện thoại đắt tiền, khiến chúng huênh hoang với bạn bè, tạo ra sự phân biệt với các bạn trong lớp, thậm chí dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng.

Theo lời khuyên của nhiều giáo viên thì các bậc phụ huynh không nên cho trẻ sử dụng ĐTDĐ quá sớm, nếu không thực sự cần thiết. Nếu muốn trang bị điện thoại cho trẻ, cha mẹ nên đặt ra các điều kiện và cần tuân theo một số hạn chế nhất định, đồng thời, thường xuyên trao đổi, tìm hiểu những sự kiện diễn ra hàng ngày liên quan đến đời sống của trẻ để kịp thời uốn nắn, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.