Thẩm phán được miễn trừ trách nhiệm khi ban hành bản án có sai sót không do lỗi cố ý?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Tại Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi, TANDTC đã đề xuất quy định không được bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở, nơi làm việc của Thẩm phán nếu không có sự đồng ý của Chánh án TANDTC.

Điều 110 Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân đã bổ sung quy định mới về quyền miễn trừ của Thẩm phán theo hướng:

Không được bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nếu không có sự đồng ý của Hội đồng Tư pháp Quốc gia.

Việc đề nghị bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thuộc thẩm quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Không được bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của Thẩm phán, Thẩm phán dự bị nếu không có sự đồng ý của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Trường hợp Thẩm phán Tòa án nhân dân bị tạm giữ vì phạm tội quả tang thì cơ quan tạm giữ phải lập tức thông báo để Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định.

Được miễn trừ trách nhiệm khi ban hành bản án, quyết định theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định nhưng có sai sót không phải do lỗi cố ý.

Nhận xét về đề xuất trên trên, theo các chuyên gia pháp lý, quy định về quyền miễn trừ của thẩm phán là cần thiết nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về chế độ, chính sách cho các chức danh tư pháp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong việc cải cách tư pháp.

Tuy vậy, cần làm rõ một số nội dung như ‘sai sót không phải do lỗi cố ý’ là sai sót ở mức độ nào, là sai phạm hay sai sót? Việc xác định lỗi cố ý hay vô ý cần có hội đồng đánh giá, nếu không sẽ trở nên tùy tiện trong việc xử lý người vi phạm.

Ngoài ra, cùng với quyền miễn trừ trách nhiệm của thẩm phán thì cần có quy định rõ ràng về trách nhiệm của thẩm phán trong hoạt động tố tụng cùng những chế tài.

Ngoài quyền miễn trừ đối với Thẩm phán, Dự thảo Luật còn dự kiến sửa đổi quy định về ngạch, bậc thẩm phán theo hướng: Thẩm phán TAND bao gồm thẩm phán TAND Tối cao, thẩm phán và thẩm phán dự bị.

Trong khi đó, Luật Tổ chức TAND 2014 đang quy định các ngạch thẩm phán gồm: Thẩm phán TAND Tối cao; thẩm phán cao cấp; thẩm phán trung cấp và thẩm phán sơ cấp.

Dự thảo cũng dự kiến bổ sung một điều mới, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của thẩm phán dự bị. Trong đó, thẩm phán dự bị thực hiện một số nhiệm vụ của thẩm phán trong giai đoạn chuẩn bị xét xử dưới sự giám sát của thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc…