Thảm họa từ ma túy

ANTĐ -Làng Phiyer thuộc huyện vùng núi phía Bắc Lào, giáp biên giới với Myanmar.

Từ lâu, người dân làng đã cho dựng chiếc cổng gọi là cổng thần linh ngay trước lối vào làng. Họ tin rằng cổng thần linh có thể giúp tránh được bệnh tật và những linh hồn ma quỷ. Nhưng làng Phiyer lại đang phải đối mặt với một thảm họa thời hiện đại mà không phép tà thuật nào có thể bảo vệ được. Phiyer nằm ngay trên một trong những tuyến đường buôn lậu ma túy “nhộn nhịp” nhất châu Á và thế giới. Từ ngôi làng này, hàng trăm triệu viên thuốc gây nghiện tổng hợp được sản xuất và vận chuyển đi khắp nơi.

 Đối tượng mua bán ma túy trái phép bị bắt giữ
 Đối tượng mua bán ma túy trái phép bị bắt giữ

Bắc Lào từng là một khu vực sản xuất thuốc phiện nổi tiếng, giáp biên giới với Thái Lan và Myanmar. Khu vực miền núi hiểm trở này được gọi là khu Tam giác vàng, từng là nơi cung cấp khoảng một nửa lượng thuốc phiện trên toàn thế giới. Theo ước tính của Cơ quan tội phạm và ma túy Liên hiệp quốc (UNODC) năm 1993 chỉ riêng khu vực thuộc Myanmar đã sản xuất gần 1.800 tấn thuốc phiện. Một thập kỷ sau đó, nhờ những chương trình xóa bỏ cây thuốc phiện ở cả ba nước, lượng sản xuất trên toàn Đông Nam Á đã giảm sút đáng kể chỉ còn khoảng 350 tấn. Nhưng khu Tam giác vàng đã không bị tiêu diệt. Hoạt động sản xuất và buôn bán ma túy vẫn tiếp tục nở rộ giống như một lĩnh vực kinh doanh đang phất trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, thị trường được mở rộng, các sản phẩm ma túy đa dạng hóa. Và cũng vì thế mà lượng thuốc phiện được sản xuất ra nhều hơn. Năm 2007, sản lượng thuốc phiện ở Myanmar bắt đầu tăng trở lại. Năm ngoái, lượng thuốc phiện được sản xuất ra ở nước này ước tính khoảng 580 tấn, tăng tới 76% so với năm 2009. Việc trồng cây anh túc cũng tăng mạnh ở Lào và Thái Lan.
Bọn tội phạm ma túy bắt đầu quan tâm đến địa bàn Lào sau khi chính phủ Thái Lan đẩy mạnh cuộc chiến chống ma túy vào năm 2003 khiến hàng nghìn người thiệt mạng, phá vỡ những tuyến đường vận chuyển ma túy giữa Myanmar và Thái Lan. Một tuyến đường khác được chúng thiết lập ở Bắc Lào, từ đây tỏa đi Thái Lan và Trung Quốc. Trước đây, những con đường này dường như không thể đi được vào mùa mưa, nhưng nay hàng trăm xe có thể chạy quanh năm vận chuyển hàng triệu viên thuốc gây nghiện. Tháng 2-2010, lực lượng cảnh sát tại đây đã bắt giữ bốn người đàn ông vận chuyển 21 triệu viên thuốc gây nghiện. Đây được coi là một vụ bắt giữ lớn nhất tại Lào từ trước đến nay.
 Ma túy châu Á đang hấp dẫn các tổ chức tội phạm khắp các nơi, khiến cho lực lượng chức năng quá tải. Năm 2009, lực lượng cảnh sát Thái Lan đã bắt giữ được khoảng 27 triệu viên thuốc gây nghiện, và năm ngoái là khoảng 40 triệu viên, tăng trên 40%. Quan chức cảnh sát cao cấp Suchai Chindavanich cho biết, nếu ngày hôm nay chúng ta bắt giữ được 2 triệu viên thì ngày mai bọn chúng sẽ làm ra 10 triệu viên khác. Như vậy, việc bắt giữ không bao giờ hết. Nhân viên cảnh sát Wichai cho biết, đơn vị của anh được giao nhiệm vụ quản lý tuyến 193 km dọc sông Mekong, mặc dù đã cố gắng hết sức nhưng đơn vị không có đủ lực lượng để có thể tuần tra cả khu vực. Bất cứ một người nào từ người đánh cá, người buôn bán đến người làng đi rừng cũng có thể là đối tượng buôn bán ma túy. Họ có thể vượt qua sông Mekong ở bất cứ đoạn nào, nhất là vào mùa khô.
Tháng năm vừa qua, Cục Điều tra đặc biệt Thái Lan (DSI) đã cho công bố vụ bắt giữ 100 gói heroin, tương đương khoảng 36 kg, có giá trị khoảng 750.000 USD tại thị trường Thái Lan và giá trị bán lẻ sẽ tăng gấp 5 lần tại thị trường Mỹ. Bốn đối tượng đã bị bắt giữ tại một làng gần biên giới với Myanmar cùng với tên Preeda Trakulpreeda, 41 tuổi, một tay buôn bán heroin lớn người Thái Lan. Vụ bắt giữ này là kết quả của cuộc điều tra kéo dài trong 5 tháng giữa DSI và cơ quan phòng chống ma túy của Mỹ (DEA). Nhưng không biết bằng cách nào chỉ ít ngày sau đó tên Preeda đã trốn thoát trước sự giám sát của 6 cảnh sát vũ trang. Theo một số quan chức DEA cho biết, mặc dù có những vụ bắt giữ ma túy số lượng lớn ở khu vực này, nhưng những đối tượng bị bắt giữ chủ yếu chỉ là những tên được thuê vận chuyển hàng. Khu tam giác vàng trở thành mối quan tâm của Mỹ từ thời chiến tranh Việt Nam sau khi hàng nghìn lính Mỹ mắc nghiện trở về từ cuộc chiến. DEA hiện có 87 văn phòng tại 63 quốc gia, trong đó có Myanmar. Theo Thomas Pasquarello, cựu Giám đốc khu vực của DEA thì việc mở rộng phạm vi hoạt động của DEA trong cuộc chiến chống ma túy toàn cầu là cần thiết. Bọn tội phạm ma túy có thể được vận chuyển hàng từ châu Á, cất giấu ở châu Phi và bán ra ở châu Âu... Hay một cuộc điều tra có thể diễn ra ở châu lục này nhưng những vụ bắt giữ có thể lại diễn ra ở các châu lục khác. Hơn nữa, DEA hiện đang đóng một vai trò quan trọng trong việc huấn luyện lực lượng chống ma túy ở một số quốc gia.