Thái Lan: Bầu cử đã qua, khủng hoảng còn tiếp diễn

ANTĐ - Cuộc bầu cử ở Thái Lan đã xong nhưng chắc chắn nó chưa thể mang lại hòa bình, ổn định cho người dân Thái Lan vì phe đối lập quyết không để yên cho đảng của bà Yingluck giành thắng lợi.

Ngày 02-02 vừa qua, Thái Lan đã tiến hành xong cuộc bầu cử quốc hội. Phát biểu trên đài truyền hình, Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra đã cảm ơn các cử tri tham gia cuộc bỏ phiếu, vì họ đã cho toàn thế giới thấy rằng, người dân Thái Lan muốn sống trong đất nước với hệ thống dân chủ". Tuy nhiên, kết quả bỏ phiếu không thể được công bố ngay lập tức.

Trong cuộc bầu cử sớm diễn ra vào ngày 26-01, hoạt động của Ủy ban bầu cử đã bị gián đoạn khi người biểu tình đã phong tỏa thành công hoạt động bỏ phiếu tại 89 trong tổng số 375 khu vực bỏ phiếu khiến hàng trăm nghìn cử tri đã không thể hoàn thành nghĩa vụ hiến pháp của mình.

Theo pháp luật Thái Lan, để quốc hội bắt đầu làm việc phải bầu không dưới 95% nghị sĩ trong thành phần Hạ viện. Mà điều kiện này không thể thực hiện được, bởi vì phe đối lập đã phá vỡ cuộc bỏ phiếu tại 9 trong tổng số 77 tỉnh và một số trạm bỏ phiếu ở Bangkok. Vì vậy, chưa thể bầu quốc hội và thành lập chính phủ.

Chính phủ của bà Yingluck Shinawatra cũng đã dự đoán về điều đó và ấn định cuộc bầu cử bổ sung sẽ diễn ra vào ngày 23 tháng 2. Từ nay cho đến hôm đó, phe đối lập có ý định tiếp tục các cuộc biểu tình và thu thập bằng chứng về tính chất "bất hợp pháp" của cuộc bầu cử. Chắc chắn là họ sẽ làm hết sức vì đây là cơ hội cuối cùng để ngăn cản bà Yingluck ngồi trên cái ghế Thủ tướng.

Tình trạng bất ổn ở Thái Lan đã bắt đầu vào mùa thu năm 2013, khi chính phủ đề xuất sáng kiến thông qua đạo luật ân xá, mà theo văn kiện này đối thủ chính của phe đối lập - cựu Thủ tướng đồng thời cũng là anh trai của đương kim Thủ tướng Yingluck - ông Thaksin Shinawatra có thể trở về Thái Lan. Nếu diễn biến sự kiện phát triển theo kịch bản này thì có nghĩa là, Đảng Dân chủ và các lực lượng ủng hộ đảng này bị thất bại hoàn toàn.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Australia và châu Đại Dương thuộc Viện Viễn Đông, ông Dmitry Mosyakov phân tích: “Các lực lượng đối lập hiểu rõ rằng, nếu ông Thaksin có cơ hội về nước, họ sẽ không thể tiếp tục hoạt động chính trị. Và họ đã lên kế hoạch lật đổ Chính phủ của bà Yingluck Shinawatra, cáo buộc chế độ cầm quyền bị tham nhũng và hoàn toàn phục tùng Thaksin Shinawatra”.

Dự luật ân xá này rõ ràng là một động thái quá bất cẩn của Chính phủ, đã tạo cơ hội cho phe đối lập tổ chức tổ chức các cuộc biểu tình phản đối. Tuy Chính phủ đã đáp ứng yêu cầu của phe đối lập là xin từ chức và công bố giải thể quốc hội nhưng lúc đó mọi chuyện đều đã muộn. Quân đội, sau một lúc do dự, tỏ thái độ trung lập và tuyên bố sẽ can thiệp chỉ để ngăn chặn cuộc nội chiến.

Tuy kết quả chính thức của cuộc bầu cử sẽ được công bố sau ba tuần, nhưng ông Mosyakov cho rằng, sau khi kiểm phiếu, phần thắng sẽ thuộc về chính phủ và đảng Puea Thai của bà Yingluck Shinawatra. Ông nói: “Kể từ năm 1992, Đảng Dân chủ của phe đối lập không giành được bất cứ một chiến thắng nào trong cuộc bầu cử. Còn đảng Puea Thai với sự ủng hộ rộng rãi của nông dân và giai cấp tư sản mới, sẽ giành phần thắng”.

Phe đối lập nhận thức được rõ điều đó và có ý định sửa đổi luật bầu cử và áp dụng những hạn chế về trình độ giáo dục và thậm chí cả tài sản, để đảng của bà Yingluck Shinawatra không còn chỗ dựa. Thật đáng ngạc nhiên là các hạn chế không dân chủ này lại do một chính đảng mang cái tên “Đảng Dân chủ” đề xuất.

Trước mắt Chính phủ Thái Lan là mấy tuần lễ không hề dễ dàng, phe đối lập sẽ không ngồi yên để cuộc bầu cử thành công tốt đẹp.