Thách thức với giấc mơ 2 thập kỷ nắm quyền của Thủ tướng Hungary

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau chiến thắng vang dội lần thứ ba trong năm 2018, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đang hướng tới kỷ lục nắm quyền kéo dài 2 thập kỷ không gián đoạn ở quốc gia Trung Âu này. Nhưng cuộc bầu cử vào ngày Chủ nhật 3-4 tới đang đặt ra một thách thức chưa từng có đối với quyền lực của ông Orban.
Các cuộc thăm dò dư luận chỉ ra rằng, đảng của ông Orban dẫn trước sít sao, nhưng khoảng 1/5 trong số 8 triệu cử tri Hungary vẫn tuyên bố chưa quyết định

Các cuộc thăm dò dư luận chỉ ra rằng, đảng của ông Orban dẫn trước sít sao, nhưng khoảng 1/5 trong số 8 triệu cử tri Hungary vẫn tuyên bố chưa quyết định

Lợi thế của chính phủ đương nhiệm

Sáu bên (bao gồm cả các đồng minh thuộc đảng Jobbik cực hữu trước đây) đã tập hợp lại thành một liên minh để cố gắng đánh bại Thủ tướng Orban. Theo cuộc thăm dò mới nhất của Zavecz Research, đảng Fidesz dẫn trước phe đối lập 3 điểm phần trăm với 39% ủng hộ. Đây là lần đầu tiên 6 đảng đối lập thống nhất đã bám sát đáng kể đối với đảng Fidesz (theo chủ nghĩa dân tộc) của ông Orban.

Cách đây 4 năm, đảng Fidesz đã giành chiến thắng vang dội trong các cuộc bầu cử vào năm 2018, thời điểm Hungary áp dụng chiến dịch chống nhập cư khốc liệt. Điều này đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump và phe châu Âu cực hữu khen ngợi, mặc dù nó làm “mất lòng” Liên minh châu Âu. Giờ đây, nhà lãnh đạo 58 tuổi - người tự cho là đã biến Hungary trở thành một nền “dân chủ phi tự do” - thừa nhận, cuộc bầu cử này sẽ không phải là một cuộc dạo chơi. Sau khi nhậm chức, ông Orban đã thay đổi hiến pháp Hungary, trong đó “đại tu” hệ thống bầu cử của đất nước. Ông đã loại bỏ hệ thống bầu cử 2 vòng, chỉ bỏ phiếu 1 vòng, trong đó đảng nào trong Quốc hội có số phiếu cao nhất sẽ giành chiến thắng. Với phe đối lập thường rạn nứt, đảng cầm quyền Fidesz có lợi thế thắng cử hơn. Bên cạnh đó, Hungary còn mở ra quyền công dân và quyền bầu cử cho 2 triệu người thiểu số Hungary sống ở các nước láng giềng và số phiếu áp đảo thường thuộc về ông Orban.

Các cuộc thăm dò dư luận chỉ ra rằng, đảng của ông Orban dẫn trước sít sao, nhưng khoảng 1/5 trong số 8 triệu cử tri Hungary vẫn tuyên bố chưa quyết định. Theo Reuters, cuộc bỏ phiếu ngày 3-4 vẫn có thể dẫn đến kết quả bất ngờ. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Hungary đang có nhiều lợi thế. Chính phủ đương nhiệm đang đánh cược rằng việc giảm thuế, tăng lương hưu và tăng lương sẽ thu hút sự ủng hộ của cử tri nhiều hơn so với lời hứa của phe đối lập về đẩy lùi sự lạm quyền. Ông cũng đã nhiều lần cáo buộc phe đối lập muốn cử quân tham chiến: “Cánh tả đã mất cảm giác thực tế và sẽ mê man tiến vào một cuộc chiến tàn khốc, kéo dài và đẫm máu. Chúng tôi sẽ không cho phép điều này” - ông Orban phát biểu trong ngày lễ Quốc khánh Hungary vào tháng 3-2022.

Chiến lược cân bằng Đông - Tây

Là quốc gia có chung biên giới với Ukraine, hơn 1 tháng nay, Hungary đã đón khoảng nửa triệu người tị nạn Ukraine. Rõ ràng, cuộc xung đột này là một yếu tố không thể đoán trước trong chiến dịch vận động tranh cử, khiến Thủ tướng Hungary Viktor Orban rơi vào thế phòng thủ do ông là đồng minh thân cận nhất của Tổng thống Nga Putin ở phương Tây. Tuy nhiên, tạp chí hàng đầu về chính trị của Mỹ Politico cũng chỉ ra, khoảng thời gian qua cũng là cơ hội để ông củng cố hình ảnh một nhà lãnh đạo mạnh mẽ của mình. Các biển bảng được dán trên đường phố, trong tàu điện ngầm và dọc theo đường cao tốc cho thấy một Orban trầm ngâm với thông điệp: “Hãy để chúng tôi gìn giữ hòa bình và an ninh của Hungary!”.

Một bài bình luận trên CNN cũng nhận xét: Đặt ra ranh giới mong manh trong mối quan hệ của mình với ông Putin, các quốc gia thành viên EU và cử tri, ông Orban đã cố gắng thể hiện sự trung lập vì lợi ích tốt nhất của Hungary. Nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc này biện minh cho “lập trường thận trọng, thực dụng” của mình đối với cuộc xung đột Nga - Ukraine như một biện pháp bảo vệ an ninh và hạnh phúc của Hungary.

Trên thực tế, ông Orban luôn ưu ái khi đề cập đến Nga. Khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, ông Orban đã miễn cưỡng áp đặt các lệnh trừng phạt của EU, cho rằng “an ninh trong khu vực chỉ có thể đạt được với Nga”. Ngay trước khi Nga và Ukraine xung đột, ông tuyên bố năm 2021 là năm tốt nhất cho quan hệ Nga - Hungary, với lý do Putin “tôn trọng” Hungary. Trong khi nhà lãnh đạo Hungary mở cửa biên giới phía Đông của đất nước cho người tị nạn Ukraine, ông cũng từ chối tất cả các biện pháp có thể hỗ trợ quân sự của Ukraine.

Ông Orban cũng bác bỏ các biện pháp trừng phạt đối với năng lượng Nga bởi đây sẽ là biện pháp trừng phạt có tác động mạnh nhất đối với Matxcơva do nguồn cung cấp dầu và khí đốt dồi dào của Nga từ lâu đã được sử dụng làm đòn bẩy với Đức, Serbia và các quốc gia châu Âu khác.

Đặt ra ranh giới mong manh trong mối quan hệ của mình với ông Putin, các quốc gia thành viên EU và cử tri, ông Orban đã cố gắng thể hiện sự trung lập vì lợi ích tốt nhất của Hungary. Nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc này biện minh cho “lập trường thận trọng, thực dụng” của mình đối với cuộc xung đột Nga - Ukraine như một biện pháp bảo vệ an ninh và hạnh phúc của Hungary.