Xuất khẩu dệt may gặp nhiều khó khăn khi nhu cầu tiêu dùng sụt giảm
Tại hội thảo “Nghị quyết 13/NQ-CP, cơ hội tháo gỡ nút thắt xuất khẩu 2012 và triển vọng 2013” diễn ra cuối năm 2012 tại Hà Nội, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: “Kinh tế Việt Nam đang có sự phục hồi về tốc độ tăng trưởng, nhưng rất chậm. Những khó khăn sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2013 và hơn thế nữa, hoạt động xuất khẩu còn phải đối mặt với áp lực cạnh tranh khốc liệt hơn từ quốc tế”. Các ngành xuất khẩu chủ lực đều đứng trước nhiều thách thức. Ví dụ như dệt may- ngành luôn có kim ngạch dẫn đầu trong hoạt động xuất khẩu, thị trường nhập khẩu lớn như: Mỹ, EU, Nhật Bản… chưa có tín hiệu khởi sắc do nhu cầu tiêu dùng sụt giảm. Kèm theo đó, nhiều nước cung cấp hàng dệt may lớn khác trên thế giới cũng đang tìm cách hạ giá hàng xuất khẩu từ 5-7% để tăng tính cạnh tranh.
Với mặt hàng da giày xuất khẩu, bên cạnh việc duy trì ổn định sản xuất, doanh nghiệp đã biết cân đối đơn hàng sản xuất tại Việt Nam với dung lượng đơn hàng tại Trung Quốc, Indonesia (một số mẫu giày sử dụng công nghệ cao trước đây chủ yếu sản xuất ở Trung Quốc, hiện nay đã được sản xuất đại trà tại Việt Nam). Nhiều doanh nghiệp lớn trong nước đã tận dụng tốt và đang dần gia tăng sử dụng nguyên phụ liệu trong nước, nhất là đối với hàng giày vải, thể thao. Dự báo, đơn hàng từ thị trường Hoa Kỳ có thể tăng khoảng 10% nhờ tác động tích cực từ TPP và thị trường EU năm nay sẽ ổn định hơn so với 2012. Tuy nhiên, cơ hội này cũng chính là thách thức cho hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu da giày Việt Nam vì khi TPP được thông qua sẽ có quy định bắt buộc về tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu đối với sản phẩm giày để được hưởng ưu đãi thuế suất. Hiện tỷ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ khoảng 40%.
Tương tự, với nhóm hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu- thế mạnh của Việt Nam thì lượng xuất khẩu chủ yếu ở dạng thô, chưa đem lại giá trị gia tăng cao. Không những thế, một số mặt hàng nông sản của Việt Nam thường xuyên bị cạnh tranh bằng các hàng rào kỹ thuật về chất lượng của các nước nhập khẩu. Do vậy, lợi thế cạnh tranh giảm sút.
Một điểm đáng chú ý khác là tỷ trọng hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn hơn nhiều so với các doanh nghiệp trong nước. Điều này thể hiện sự cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, mang lại kim ngạch xuất khẩu không cao trong khi lợi nhuận của các doanh nghiệp FDI mang lợi cho Việt Nam rất ít. Các chuyên gia kinh tế cho rằng đây là vấn đề cần lưu ý trong năm 2013 nói riêng và những năm sau này nói chung.
Bộ Công Thương cho biết, tháng 1-2013, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 10,1 tỷ USD, giảm 2,5% so với tháng 12-2012, chủ yếu do giá xuất khẩu của hầu hết mặt hàng xuất khẩu giảm so với cùng kỳ. Vì vậy, mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2013 đạt khoảng 126,1 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2012; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức 8% có thể sẽ gặp khó khăn và nhiều thách thức hơn năm 2012 do nền kinh tế thế giới có nhiều biến động. Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ Công Thương đã đề ra giải pháp cho năm 2013 là tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại; tiếp tục có giải pháp hỗ trợ phù hợp đối với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, có lợi thế, có thị trường và có khả năng cạnh tranh... có các giải pháp linh hoạt nhằm tranh thủ cơ hội tăng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng, thị trường các nước có chung đường biên giới… Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương thực hiện nghiêm túc cơ chế, chính sách kiểm soát chất lượng hàng xuất khẩu; kiểm soát chặt chẽ vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường đối với hàng hoá nhập khẩu.