Thách thức đói nghèo

ANTĐ - Cho dù thế giới đã hoàn thành mục tiêu giảm đói nghèo - mục tiêu đầu tiên trong 8 Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG) được Đại hội đồng LHQ thông qua năm 2000 - trước thời hạn tới 5 năm song cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang đặt ra những thách thức mới.

Thế giới hiện vẫn còn hơn 1 tỷ người thiếu đói cần sự trợ giúp

Phát biểu tại Diễn đàn hợp tác phát triển năm 2012 khai mạc ngày 5-7 tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ), Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã lấy làm quan ngại trước việc đạt được tiến triển mới trong xóa đói nghèo toàn cầu và phát triển bền vững. Nỗ lực xoá đói giảm nghèo không mệt mỏi của cộng đồng quốc tế nhiều năm qua đang phải chịu tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bùng phát từ năm 2008.

Trong phiên họp Thượng đỉnh Thiên niên kỷ diễn ra từ ngày 6 đến 9-9-2000, Đại hội đồng LHQ đã thông qua Tuyên ngôn Thiên niên kỷ của LHQ, trong đó đặt ra 8 mục tiêu Thiên niên kỷ cần hoàn thành vào năm 2015. Trong đó, mục tiêu đầu tiên (MDG-1) là triệt để loại trừ một nửa số người có thu nhập (tính theo sức mua tương đương PPP năm 1993) dưới 1 USD/ngày; giảm một nửa tỷ lệ người bị thiếu ăn; tạo việc làm thích hợp và hữu ích cho tất cả mọi người bao gồm cả phụ nữ và thanh niên.

Với nỗ lực của cả cộng đồng quốc tế, thế giới đã hoàn thành MDG-1 sớm nhất, trước thời hạn 2015 tới 5 năm. Tính tới năm 2010, số người sống cùng khổ và tỷ lệ đói nghèo trên thế giới đã giảm còn chưa đầy 50% so với năm 1990. 

Thế nhưng, cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu bùng phát năm 2008 ở Mỹ rồi lan nhanh ra khắp thế giới đã tác động tiêu cực tới thành tựu giảm đói nghèo trên toàn cầu. Bên cạnh thực tế vẫn còn hàng tỷ người đói nghèo, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu không chỉ đẩy thêm hàng triệu người trở lại cảnh đói nghèo mà còn làm gia tăng số người thất nghiệp cũng như đào sâu hố ngăn cách giàu nghèo.

Thế giới hiện vẫn còn 1,3 tỷ người sống cùng khổ, 900 triệu người thường xuyên thiếu dinh dưỡng, 1 tỷ người thường xuyên thiếu vitamin và khoáng chất... Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã khiến hơn 30 triệu người bị mất việc làm kể từ khi khủng hoảng bùng nổ năm 2008, nâng tổng số người thất nghiệp lên mức 220 triệu người hiện nay, trong đó 75 triệu là thanh niên.

Để đối phó với những thách thức và sự phát triển bền vững cũng như xoá đói giảm nghèo, Tổng Thư ký Ban Ki-moon đã nêu bật 5 lĩnh vực cần được cải thiện trong nền kinh tế toàn cầu để duy trì các mục tiêu phát triển. Đó là: đẩy nhanh các nỗ lực đạt được mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về xóa đói nghèo trên toàn cầu; cung cấp viện trợ phát triển cho các nước đang cần viện trợ nhất; bãi bỏ gánh nặng về các điều kiện vay nợ; tăng cường trách nhiệm và sự minh bạch; tăng cường các cam kết về sự bền vững.

Tổng thư ký LHQ nhấn mạnh, nền kinh tế thế giới đang trong tình thế hiểm nghèo với nguy cơ tái suy thoái rất lớn, đặc biệt giá lương thực và năng lượng cao đè nặng lên các nền kinh tế dễ bị tổn thương. Bởi thế, dù đã đạt được tiến bộ quan trọng về xóa đói nghèo song cả thế giới vẫn cần nỗ lực gấp bội để loại trừ các điều kiện kinh tế khắc nghiệt và bất bình đẳng nảy sinh từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.