Thách thức bủa vây tân Thủ tướng Anh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ông Rishi Sunak đã trở thành tân Thủ tướng Anh bằng chiến thắng khá dễ dàng trong “cuộc đấu” nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền, song để mang lại sự ổn định cho đất nước sau quãng thời gian bất ổn chính trị và khủng hoảng kinh tế, vị Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử hơn 200 năm của “xứ sở sương mù” phải vượt qua hàng loạt thách thức đang bủa vây.
Vị tân Thủ tướng Rishi Sunak trẻ nhất trong lịch sử hơn 200 năm của nước Anh đang phải đối mặt với nhiều thách thức

Vị tân Thủ tướng Rishi Sunak trẻ nhất trong lịch sử hơn 200 năm của nước Anh đang phải đối mặt với nhiều thách thức

Đối mặt với cuộc khủng hoảng sâu sắc

Tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak chính thức nắm quyền điều hành đất nước thay người tiền nhiệm Liz Truss từ ngày 25-10, sau khi diện kiến Vua Charles III vào sáng cùng ngày. Ông Rishi Sunak, 42 tuổi, trở thành vị Thủ tướng thứ 57 của nước Anh chỉ trong chưa đầy 2 tháng và là Thủ tướng da màu đầu tiên, đồng thời là Thủ tướng trẻ nhất “xứ sở sương mù” trong hơn 200 năm qua.

Tân Thủ tướng Anh khẳng định, ưu tiên hàng đầu của ông là đảm bảo ổn định nền kinh tế, tiếp đó là thực hiện các cam kết của đảng Bảo thủ trong cuộc bầu cử năm 2019. Trong bài phát biểu trước các nghị sĩ đảng Bảo thủ, tân Thủ tướng Anh, đồng thời là nhà lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ cầm quyền Rishi Sunak cũng loại trừ khả năng tổ chức tổng tuyển cử sớm.

Có thể nói, vị Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử nước Anh hơn 200 năm qua ngồi vào chiếc ghế quyền lực nhất đất nước một cách khá dễ dàng khi ông Rishi Sunak là ứng cử viên duy nhất đạt đủ số phiếu ủng hộ tranh cử lãnh đạo đảng Bảo thủ, điều đồng nghĩa với việc ông sẽ trở thành Thủ tướng Anh bởi đảng Bảo thủ đang là đảng cầm quyền. Trên cương vị mới, ông Rishi Sunak sẽ có trọng trách đem lại sự ổn định cho đất nước sau quãng thời gian bất ổn chính trị và khủng hoảng kinh tế. Việc ông Rishi Sunak lên cầm quyền thay bà Liz Truss cũng nhận được những phản ứng tích cực.

Ngay sau thông tin Rishi ông Sunak sẽ trở thành Thủ tướng Anh, chứng khoán châu Âu và Mỹ đã đồng loạt tăng điểm. Theo đó, chỉ số EURO STOXX 50 tăng 1,7% lên 3.537,16 điểm, trong khi chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) tăng 0,6% lên 7.014,28 điểm. Chỉ số DAX tại Frankfurt (Đức) và chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) đã lần lượt tăng 1,8% và 1,9% lên 12.957,93 điểm và 6.147,93 điểm. Cùng chung xu hướng này, tại New York (Mỹ), chỉ số Dow Jones tăng 0,6% lên 31.263,39 điểm.

Tỷ giá đồng bảng Anh so với đồng USD cũng tăng từ mức 1 bảng đổi 1,1258 USD vào ngày 21-10 lên 1 bảng đổi được 1,1285 USD ngày 24-10. Thế nhưng, tất cả những điều đó lại không giúp gì nhiều cho vị Thủ tướng thứ 57 của nước Anh trong việc đối mặt với những thách thức nặng nề chờ đón trước mắt. Ông Rishi Sunak đã phải “thừa kế” một nền kinh tế vốn đang trên đà suy thoái ngay cả trước khi xảy ra những bất ổn kinh tế và chính trị trong hơn 40 ngày bà Liz Truss cầm quyền. Người tiền nhiệm của ông Rishi Sunak buộc phải từ chức sau khi các chính sách cắt giảm thuế của bà gây ra những cơn chấn động trên khắp các thị trường, khiến giá đồng bảng Anh lao dốc. Những phản ứng của thị trường buộc chính phủ phải xoay ngược phần lớn các nội dung trong ngân sách, trong đó có việc thu hẹp quy mô biện pháp áp trần hóa đơn năng lượng vốn đang tăng cao góp phần làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt của hàng triệu người dân Anh.

Các dữ liệu mới nhất ngày 24-10 cho thấy, kinh tế Anh tiếp tục suy giảm mạnh hơn trong tháng 10, với sản lượng của khu vực tư nhân giảm xuống mức thấp nhất trong 21 tháng qua. Tốc độ suy giảm kinh tế Anh đang tăng dần sau những biến động chính trị và thị trường tài chính gần đây. Tình trạng bất ổn kinh tế và chính trị gia tăng đã khiến hoạt động kinh doanh lao dốc với tốc độ chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, nếu không tính đến những tháng phong tỏa do đại dịch Covid-19. Theo các chuyên gia, những dữ liệu sắp tới chắc chắn sẽ cho thấy, kinh tế Anh đã rơi vào suy thoái. Bản thân ông Rishi Sunak cũng thừa nhận: “Chúng ta phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc”.

Những hy vọng đặt vào vị tân Thủ tướng

Vì thế, tuyên bố đầu tiên của ông Rishi Sunak khi cầm quyền là “đảm bảo ổn định nền kinh tế”, đồng thời nêu rõ phải “sửa chữa nền kinh tế”. Dư luận và giới kinh tế Anh hy vọng, tân Thủ tướng Rishi Sunak, vốn là một cựu Bộ trưởng Tài chính, sẽ mang lại sự ổn định cho các thị trường. Ngay từ khi còn trong cuộc đua với bà Liz Truss để tranh vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ, kế nhiệm ông Boris Johnson làm Thủ tướng Anh diễn ra hồi tháng 9-2022, ông Rishi Sunak đã sớm cảnh báo các chính sách dựa vào nợ công để cắt giảm thuế của người tiền nhiệm là sai lầm. Cảnh báo đó đã trở thành sự thực, thể hiện qua những diễn biến rối ren trên thị trường, đồng bảng Anh mất giá, nợ trái phiếu chính phủ tăng mạnh sau khi Chính phủ công bố chính sách nêu trên.

Các nhà đầu tư rõ ràng hiện đang hy vọng tân Thủ tướng Rishi Sunak sẽ ổn định được nền kinh tế và tình hình chính trị, dù hiện nay rất khó để có thể phân định nhiệm vụ nào khó khăn hơn trong 2 nhiệm vụ này. Những kỳ vọng trên bước đầu giúp ổn định các thị trường, giá trị đồng bảng Anh tăng và các chi phí vay nợ trái phiếu cũng giảm bớt nhờ tỷ giá cải thiện và tiếp đó sẽ là giá khí đốt châu Âu giảm.

Với lạm phát ở mức cao nhất trong 40 năm (hơn 10%), giới kinh tế nhận định, nhiều khả năng Ngân hàng Trung ương Anh sẽ công bố một đợt tăng lãi suất mạnh trong cuộc họp chính sách thường kỳ vào tuần tới. Điều này sẽ gây thêm áp lực đối với những người đi vay, trong đó có những chủ sở hữu nhà ở vốn đã chứng kiến lãi suất thế chấp tăng vọt sau khi Chính phủ của bà Liz Truss trước đây công bố các chính sách mới.

Đại diện giới doanh nghiệp Anh kêu gọi tân Thủ tướng Rishi Sunak có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn vì hóa đơn năng lượng tăng cao. Họ cho rằng, sự bất ổn chính trị và kinh tế trong vài tháng qua đã gây tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin kinh doanh và phải chấm dứt ngay tình trạng này.

Theo giới quan sát, tân Thủ tướng Anh phải là người “vững tay chèo” để đưa nền kinh tế vượt qua những khó khăn ở phía trước, nghĩa là phải đặt ra các kế hoạch được tính toán chi phí tỉ mỉ để đối phó với các vấn đề lớn mà doanh nghiệp phải đối mặt là hóa đơn năng lượng tăng cao, thiếu lao động, lạm phát gia tăng và lãi suất leo thang. Trong đó, một trong những nhiệm vụ đầu tiên của chính phủ mới là công bố kế hoạch tài khóa trung hạn vào ngày 31-10 tới nhằm giảm thâm hụt tài chính công, mà theo các nguồn tin có thể lên đến 40 tỷ bảng.

Một thách thức không nhỏ khác mà ông Rishi Nunak phải đối mặt là hàn gắn những rạn rứt trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền. Mặc dù, ông Rishi Nunak đã nhận được sự ủng hộ từ nhiều nghị sĩ trong đảng để trở thành chủ nhân mới của số 10 phố Downing, nhưng khả năng ông có thể đoàn kết đảng Bảo thủ đang chia rẽ sâu sắc vẫn còn để ngỏ vào lúc này. Trong khi đó, lãnh đạo Công đảng đối lập Keir Starmer đang kêu gọi tổ chức cuộc tổng tuyển cử khi người dân ngày càng không hài lòng với sự lãnh đạo của đảng Bảo thủ và hậu quả từ các quyết định sai lầm vừa qua của họ.