Tên lửa Tomahawk sẽ tiếp tục "sống thọ" trong quân đội Mỹ

ANTD.VN - Tên lửa hành trình Tomahawk, một phần không thể thiếu của kho vũ khí Mỹ trong hàng chục năm qua, sẽ tiếp tục được duy trì phục vụ thêm 20 năm nữa trước khi được thay thế bởi một loại hiện đại hơn.

Tomahawk đã bắt đầu được biên chế trong quân đội Mỹ từ đầu những năm 1980. Với hình dáng như một viên đạn, động cơ phản lực cánh quạt William và cánh điều chỉnh, Tomahawk có khả năng bay ở tầm thấp để tránh radar đối phương.

Với phiên bản mới nhất hiện nay trang bị định vị GPS, Tomhawk có khả năng đánh trúng mục tiêu ở độ chính xác gần như tuyệt đối.

Hải quân Mỹ hiện đang có 2 phiên bản Tomahawk bao gồm loại chống hạm và tấn công mặt đất. Biến thế chống hạm đã được cho nghỉ hưu từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh do hải quân Mỹ không tìm thấy lực lượng nào xứng tầm trên biển.

Trong khi đó, phiên bản tấn công mặt đất đã được sử dụng 2000 lần tại Iraq, Serbia, Montenegro, Libya, Afghanistan, Syria, Bosnia, Sudan, Yemen và Somalia.

Tên lửa Tomahawk là một phần không thể thiếu của quân đội Mỹ

Tuy nhiên, với sự trỗi dậy của hải quân Trung Quốc, hải quân Mỹ giờ đây đã nhìn thấy sự cần thiết đối với phiên bản chống hạm của tên lửa Tomahawk.

Tên lửa chống hạm phổ biến nhất của Mỹ hiện nay là Harpoon không thể được phóng từ hệ thống ống thẳng đứng của các tàu khu trục, đồng thời cũng chỉ mang được tối đa  tên lửa mỗi tàu.

Trong khi đó, khác với Harpoon, Tomahawk dễ dàng phóng từ các ống khai hỏa thẳng đứng và có thể mang theo cả trăm tên lửa trên mỗi tàu nếu loại bỏ hết các khí tài khác.

Theo tạp chí National Interest, Tomahawk sẽ được trải qua 2 chương trình nâng cấp chính, một là kéo dài tuổi thọ thêm ít nhất 15 năm và thứ 2 là bổ sung khả năng chống hạm.

Ngoài bản chống hạm của tên lửa Tomahawk, hải quân Mỹ cũng sẽ bổ sung thêm cả tên lửa chống hạm tầm xa (LRASM) và xa hơn là tên lửa tấn công mặt đất thế hệ mới (NGLAW), có khả năng tấn công cả mặt đất lẫn tàu chiến trên biến. NGLAW có thể sẽ được đưa vào biên chế trong thời gian 2028 đến 2030.