- Bị tố cáo, "quan xã" cuống cuồng mang tiền trả người dân (2)
- Cấp đất trái thẩm quyền, Chủ tịch xã và đồng phạm hầu tòa
Từ kết quả điều tra bổ sung, trong ngày 14 và 15-7, TAND TP Hà Nội đã mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với các bị cáo Nguyễn Đức Nhị (SN 1954), Lê Văn Tú (SN 1952), Nguyễn Văn Thành (SN 1970), từng là Phó chủ tịch, Chủ tịch UBND xã Phương Tú và Chủ nhiệm HTX nông nghiệp thôn Phí Trạch (Ứng Hòa, Hà Nội) về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, theo Điều 281-BLHS.
Liên quan đến tội phạm của nhóm cán bộ xã nêu trên, Vũ Xuân Tiệp (SN 1962) – nguyên kế toán trưởng xã Phương Tú cũng bị xem xét cùng tội danh, theo Điều 281. Trước đó, tại phiên tòa diễn ra vào trung tuần tháng 5, bị cáo này còn bị xét xử thêm tội tội “Tham ô tài sản”, theo Điều 278. Tuy nhiên, do không đủ yếu tố cấu thành tội phạm đó đó nên cựu Kế toán trưởng xã Phương Tú chỉ còn bị xử lý 1 tội danh với vai trò đồng phạm cùng các “sếp”.
Các cựu "quan xã" xã Phương Tú bị đưa ra xét xử tại tòa án
Diễn biến phiên xử cho thấy, từ năm 2008 đến 2009, lợi dụng chủ trương của UBND huyện Ứng Hòa về việc giao cho UBND xã Phương Tú thu tiền xử lý đất lấn chiếm (theo Nghị định 84/2007/NĐ-CP của Chính phủ), Lê Văn Tú – Chủ tịch UBND xã Phương Tú cùng một số cán bộ cấp dưới đã cấp đất giãn dân trái thẩm quyền.
Theo đó, tháng 8-2008, nhận chỉ đạo của Nguyễn Đức Nhị - Phó Chủ tịch UBND xã Phương Tú, Lê Hồng Phung – Trưởng thôn Ngọc Động lập danh sách, đo đạc cấp đất giãn dân trái quy định tại khu vực Ao Ươm cho 28 hộ dân, trong đó gia đình Phung cũng mua 1 suất với giá thấp hơn các hộ khác.
Bán trái phép 840m2 đất tại đây, Phung thu được tổng cộng gần 400 triệu đồng và mang đến nhà nộp cho Nhị. Tháng 10-2008, vẫn theo sự chỉ đạo của lãnh đạo xã, Phung tiếp tục đo đạc và phân thành 24 suất đất tại khu Ao Ươm to có tổng diện tích 3.600m2 để bán. Quá trình san lấp mặt bằng, Phung phát hiện diện tích thực tế lớn hơn diện tích trong sổ sách hơn 40m2 nên cũng bán nốt cho 2 hộ dân địa phương.
Tổng cộng, Phung thu về gần 1,9 tỷ đồng trong đợt bán đất lần thứ 2 này. Số tiền bán đất trái phép, trưởng thôn Ngọc Động chuyển hết vào quỹ của HTX nông nghiệp Ngọc Động. Đến đầu năm 2009 và kéo dài đến cuối năm 2010, Phung còn nhiều lần bán tổng cộng gần 2000m2 đất tại khu Lưỡi A để thu về số tiền hơn 2,1 tỷ đồng.
Hòng “qua mặt” huyện nên ngay sau khi cấp đất giãn dân cho hàng chục hộ dân tại địa phương, Nhị xin ý kiến và được Tú chấp thuận nên tiếp tục chỉ đạo một số cán bộ dưới quyền lập khống hồ sơ, tài liệu thể hiện hàng chục hộ dân đã lấn chiếm đất từ trước năm 2004 để đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận QSDĐ.
Thế nhưng cho dù là như vậy thì việc làm bậy bạ của nhóm cán bộ xã Phương Tú vẫn bị phát hiện sau thanh tra về đất đai tại địa phương. Kết quả điều tra xác định, hơn 4.400m2 đất tại thôn Ngọc Động nêu trên đều là đất nông nghiệp mà chính quyền địa phương phải quản lý.
Ngoài việc “giật dây” cả ê kíp cấp đất trái phép theo kiểu “té nước theo mưa”, cựu Chủ tịch UBND xã Phương Tú còn chỉ đạo hàng loạt thuộc cấp lập khống hồ sơ trong việc xây dựng Nhà văn hóa thôn Phí Trạch .
Cụ thể, tháng 5-2003, Nhà văn hóa thôn Phí Trạch được xây dựng với số tiền quyết toán công trình hơn 670 triệu đồng. Nguồn vốn đầu tư được xác định là do nhân dân đóng góp, nhận tài trợ và trích từ quỹ của HTX nông nghiệp thôn này. Sau đó, từ năm 2005 đến 2008, nhà văn hóa này xây dựng thêm hệ thống tường bao xung quanh với tổng chi phí là 66,7 triệu đồng.
Thế nhưng năm 2008, biết UBND huyện sẽ hỗ trợ 300 triệu đồng cho một nhà văn hóa nên Chủ tịch UBND xã Phương Tú triệu tập cuộc họp nội bộ, rồi chỉ đạo cán bộ dưới quyền khai khống hồ sơ xây dựng để nhận được tiền hỗ trợ. Và thực tế là năm 2009, chính quyền xã Phương Tú đã được giải ngân 266 triệu đồng.
Chưa hết, quá trình xét xử còn làm rõ trong thời gian làm “công bộc” của dân, nhóm cán bộ xã biến chất nêu trên còn chiếm đoạt hơn 730 triệu đồng của 153 hộ dân, trong diện được hợp thức hóa đất lấn chiếm theo Nghị định 84/2007/NĐ-CP của Chính phủ.
Với những hành vi gây ra nên chiều 15-7, TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Vũ Xuân Tiệp 7 năm tù, Nguyễn Đức Nhị 6 năm tù và 2 bị cáo liên quan lần lượt phải lĩnh 36 tháng tù, 15 tháng tù (hưởng án treo), theo đúng tội danh bị đưa ra xét xử. Đối với Lê Hồng Phung cùng một số đối tượng liên quan do chưa đủ căn cứ để xử lý ở cùng vụ án này hoặc đã chết nên cơ quan tố tụng đã quyết định tách rút hồ sơ xử lý sau.