Tay gấu - hàng “nóng” đường biên

(ANTĐ) - Cùng với sự ra đời của Luật Bảo hộ động vật hoang dã, tay gấu hầm, món ăn được coi là “vua trên bàn tiệc” của nhà giàu Trung Quốc gần như biến mất tại các nhà hàng. Song trên thực tế, nó vẫn ngấm ngầm tồn tại. Đây chính là nguyên nhân khiến tình trạng buôn lậu tay gấu giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, trong đó có Nga trở nên nóng bỏng. 

Tay gấu - hàng “nóng” đường biên

(ANTĐ) - Cùng với sự ra đời của Luật Bảo hộ động vật hoang dã, tay gấu hầm, món ăn được coi là “vua trên bàn tiệc” của nhà giàu Trung Quốc gần như biến mất tại các nhà hàng. Song trên thực tế, nó vẫn ngấm ngầm tồn tại. Đây chính là nguyên nhân khiến tình trạng buôn lậu tay gấu giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, trong đó có Nga trở nên nóng bỏng. 

Lô hàng 173 tay gấu Công an Trung quốc bắt giữ tháng 6-2009
Lô hàng 173 tay gấu Công an Trung quốc bắt giữ tháng 6-2009

Kiếm tiền đơn giản

Người phụ nữ nhìn chằm chằm vào vị khách với vẻ cảnh giác. Phía dưới quầy hàng bằng kính của bà ta chất đầy xúc xích, thịt bò, gà đông lạnh và những súc thịt động vật hoang dã như thịt hươu, nai, lợn rừng... Khi thấy người khách nói có nhu cầu mua tay gấu, bà ta liền thì thầm trên điện thoại. Ít phút sau, một chiếc xe Lexus đen ngòm đỗ xịch trước cửa hàng và một người đàn ông bước xuống. Sau vài câu trao đổi với khách, anh ta liên tục bấm chiếc di động trong tay. Sau đó anh ta hẹn lấy hàng vào sáng hôm sau. Điểm hẹn được ấn định ở một tòa nhà trên con đường cũ kỹ ở ngoại ô Blagoveschensk. Chủ căn nhà dẫn khách vào phòng trong, mở tủ lạnh lấy ra 4 chiếc tay gấu. Giao dịch diễn ra chớp nhoáng, những chiếc tay gấu được ngã giá 1.500 rúp.  

Không khó khăn lắm nếu muốn mua tay gấu ở thành phố biên giới Blagoveschensk. Oleg V.Lezin, chủ một cửa hàng thuộc da động vật ở đây cho biết, có nhiều thanh niên địa phương rỗi việc và họ chỉ cần dắt chó lần theo dấu vết gấu xám trong rừng, bắn chết chúng và chặt 4 chân bán là có thể kiếm được 50USD. Khi nhu cầu tay gấu từ Trung Quốc ngày càng lớn, người dân sống ở khu vực biên giới Nga-Trung bỗng tìm thấy việc làm rất đơn giản giúp họ kiếm được tiền: săn gấu.

Sau nhiều năm liền đóng cửa, mấy năm trở lại đây, biên giới Nga-Trung Quốc đã mở trở lại, cho phép người dân giao lưu mậu dịch và du lịch. Tội phạm buôn lậu qua biên giới sau nhiều năm im lìm cũng nhờ vậy trỗi dậy hoạt động mạnh mẽ hơn. Aleksei L.Vaisman, điều phối viên cao cấp của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên WWF, người phụ trách nhóm giám sát mậu dịch châu Âu-Nga cho biết, có hàng ngàn tay gấu được đưa lậu qua biên giới Nga-Trung Quốc mỗi năm. Không chỉ tay gấu, mật gấu, ếch, xương hổ mà bộ phận sinh dục của hươu xạ và hươu sao cũng được đưa lậu hàng ngày với số lượng lớn sang Trung Quốc.

Lột da gấu ở Blagoveschensk, Nga
Lột da gấu ở Blagoveschensk, Nga

Nhu cầu lớn, nguồn “cung” phong phú

Tại Trung Quốc, tay gấu là mặt hàng quý hiếm, thường được sử dụng chế biến món ăn hay làm thuốc.  Tờ Guardian của Anh nhận định: “Trung Quốc không phải là nước duy nhất ăn thịt động vật hoang dã, song là nước ăn thịt động vật hoang dã nhiều nhất thế giới và ảnh hưởng của việc này đã lan rộng ra các nước châu Á cũng như khu vực khác”. Nếu tính ra, việc ăn tay gấu ở nước này đã tồn tại ít nhất 2.300 năm. Theo một kết quả điều tra của Hiệp hội Bảo vệ động vật hoang dã Trung Quốc, có khoảng 2,8% người dân nước này thường xuyên ăn thịt động vật hoang dã. Tuy nhiên, trước nạn săn bắt bừa bãi, chính quyền nước này đã cấm giết mổ, vận chuyển, tiêu thụ trái phép mặt hàng này. Năm 1989, Trung Quốc ban hành “Luật Bảo vệ động vật hoang dã”, tuy nhiên sự sống của nhiều loài động vật quý hiếm nước này vẫn đáng lo ngại.

Mấy năm trở lại đây, tuy tay gấu hầm, món được coi là chủ đạo trên bàn tiệc “hoàng đế” đã không còn xuất hiện trong các nhà hàng lớn do những quy định và hình phạt nghiêm khắc, song thực tế món ăn này vẫn lưu truyền trong “dân gian” với những quan niệm về tính năng và hiệu quả bồi bổ sức khỏe đặc biệt. Chính vì vậy, khi đàn gấu ở Trung Quốc đã ít ỏi tới mức báo động, những “đầu nậu” chuyên cung cấp món ăn đặc biệt này bắt đầu hướng tầm nhìn ra các nước xung quanh, trong đó có Nga, nơi đàn gấu xám và gấu nâu còn rất lớn và sinh trưởng nhanh. 4 chiếc tay gấu được dân buôn lậu mua ở Nga với giá 50USD nhưng khi mang về Trung Quốc, mỗi chiếc được bán với giá 3.000-4.000NDT/chiếc (444-590USD), thậm chí có khi mỗi chiếc tay phải được bán tới 6.000NDT. 

Nỗ lực ngăn chặn

Dù việc buôn lậu tay gấu không ảnh hưởng nhiều lắm đến số lượng đàn gấu nâu và gấu xám ở Nga, song nguy cơ rõ rệt là việc buôn lậu đó sẽ mở ra kênh buôn lậu những loài động vật hoang dã khác, trong đó có 2 loài động vật đang trên đà tuyệt chủng, đó là hổ Amur và báo Viễn đông. Theo thống kê, hiện chỉ còn 450 con hổ Amur với 30 con mất đi mỗi năm vì săn bắn.

Ngày 15-7-2010, Hải quan Nga ở vùng Viễn Đông thu giữ 6,7 tấn da động vật hoang dã mà một doanh nhân đang tìm cách chuyển lậu sang Trung Quốc trên một chiếc xe tải lớn. Số da thú lông mao này, chủ yếu từ chuột xạ hương và các loại chồn Siberia, được giấu trong những rulô giấy. Nhà chức trách đang điều tra xác định nguồn gốc số hàng lậu trên, theo thông tin ban đầu, chủ số hàng trên là một thương nhân người Nga thường xuyên đánh hàng sang Trung Quốc.

Ngày 17-4-2010, 2 công dân Trung Quốc bị hải quan Nga bắt giữ ở Viễn Đông, nơi cách biên giới Nga-Trung chừng 800m. Khám xét bao tải nặng chừng 150kg họ mang theo, hải quan Nga phát hiện 3 bộ da hổ và nhiều mảnh xương hổ khác. Hai người này kiên quyết phủ nhận hành vi buôn lậu da, xương thú và một mực khẳng định họ đến Nga làm thuê và được trả tiền để vận chuyển số hàng này về Trung Quốc. Được biết, đây là da 3 con hổ thuộc loài nằm trong sách đỏ của Nga, rất quý hiếm. Trước đó, ngày 8-2-2010, nhân viên tuần tra biên giới Nga phát hiện một chiếc xe tải ở làng Leninskoye, nơi cách biên giới Trung Quốc vài dặm, bên trong chở 447 chiếc tay gấu, đã bắt giữ 2 người Nga và 1 người Trung Quốc. Số lượng tay gấu nặng tới 515kg với tổng giá trị là 1.133 bảng Anh.

Điều đó cho thấy các kênh buôn lậu qua biên giới rất đa dạng và đang nóng dần lên mỗi năm. Và dù chính quyền các tỉnh biên giới hai nước cũng đã có nhiều biện pháp phối hợp nhằm đẩy lùi tình trạng buôn lậu đang diễn biến hết sức nóng bỏng này, nhưng kết quả đạt được vẫn không mấy khả quan.

Bảo Trâm

(Tổng hợp)