Ngang nhiên trốn thuế:

Tật “nặng” cần “thuốc đắng”

ANTĐ - Tìm hiểu công tác phòng ngừa, đấu tranh với vi phạm - tội phạm về thuế, trong 6 tháng đầu năm, ở 29 công an quận, huyện, thị xã, chỉ có 7 đơn vị phát hiện, xử lý được vi phạm trên lĩnh vực này.

Nguồn thu đang… thất thu

Nhận định về những biểu hiện vi phạm trong lĩnh vực thuế, chỉ huy Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV CATP Hà Nội đúc kết ngắn gọn: “Vi phạm trong lĩnh vực thuế xảy ra ở hầu hết các loại hình doanh nghiệp. Các sắc thuế bị tội phạm lợi dụng nhiều nhất là thuế GTGT, thuế xuất nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhà đất…”. Xu hướng chung của nhiều doanh nghiệp là tìm mọi cách tăng chi phí, giảm doanh thu nhằm làm giảm lợi nhuận để giảm thu nhập tính thuế bằng các thủ đoạn: bán hàng không xuất hóa đơn, ghi hóa đơn thấp hơn số tiền thực tế thu của khách hàng hoặc sử dụng hóa đơn “ma” để hợp thức hóa những khoản chi phí không có thực.

 Hóa đơn GTGT là “món hàng” tội phạm về thuế hay lợi dụng

 Hóa đơn GTGT là “món hàng” tội phạm về thuế hay lợi dụng

Ghi nhận của lực lượng CSKT cho thấy, tinh vi nhất là “trò” trốn thuế thu nhập. Các đối tượng thường dùng thủ đoạn hạ thấp giá hàng hóa nhập khẩu, hoặc khai sai chủng loại hàng hóa từ hàng hóa có giá trị cao, đời mới thành hàng hóa giá trị thấp, đời cũ. Liều lĩnh hơn, đối tượng lợi dụng cơ chế tạm nhập, tái xuất để nhập hàng từ nước ngoài vào Việt Nam, nhưng sau đó không tái xuất mà tiêu thụ trong nước để trốn thuế nhập khẩu.

Một dạng tội phạm về thuế phổ biến là lừa đảo chiếm đoạt tiền ngân sách qua hoàn thuế GTGT. Doanh nghiệp xin phép thành lập, đăng ký kinh doanh, đăng ký mã số thuế mua hóa đơn GTGT, nhưng sau đó không hoạt động sản xuất kinh doanh mà chỉ bán hóa đơn khống lấy tiền. Bước tiếp theo, doanh nghiệp “ma” này thay đổi địa chỉ giao dịch, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khác chiếm đoạt tiền của Nhà nước qua hoàn thuế GTGT.

Diễn biến phức tạp, tinh vi của tội phạm về thuế còn bộc lộ qua hiện tượng một số doanh nghiệp tổ chức các doanh nghiệp vệ tinh, kiểu “công ty mẹ”, “công ty con”, “chi nhánh”… ở một hay nhiều địa phương để xuất hóa đơn GTGT mua, bán lòng vòng mà không hề có hàng hóa. Họ dùng chính hóa đơn GTGT này để làm thủ tục hợp thức hóa hồ sơ xin hoàn thuế nhằm chiếm đoạt tài sản của Nhà nước. Cứ thế, mỗi dạng biểu hiện, hành vi của tội phạm về thuế đã “góp phần” ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn thu chủ yếu của ngân sách quốc gia - thuế!

Cần sự vào cuộc đồng bộ

Trước biểu hiện phức tạp của tội phạm về thuế, CATP Hà Nội đã triển khai đến toàn lực lượng Công an Thủ đô kế hoạch đấu tranh, phòng chống tội phạm và vi phạm trong lĩnh vực này. Bên cạnh việc quán triệt, nắm vững các chế tài đối với vi phạm về thuế, yêu cầu của Ban Giám đốc CATP đặt ra với các đơn vị, địa bàn, đặc biệt chủ công là lực lượng CSKT, phải làm tốt công tác điều tra cơ bản, nghiệp vụ cơ bản để kịp thời nắm tình hình, đấu tranh có hiệu quả với các hành vi trốn thuế, lừa đảo, tham nhũng trên lĩnh vực thuế.

Thông qua công tác đấu tranh, mục tiêu đặt ra đối với lực lượng công an phải kịp thời phát hiện những phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm về thuế; những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý Nhà nước và các quy định của pháp luật mà đối tượng lợi dụng để hoạt động phạm tội.

Trao đổi với chúng tôi, chỉ huy Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV cho biết, đến thời điểm này, lực lượng CSKT đã “khoanh” được những tụ điểm có biểu hiện “hợp tác” với tội phạm về thuế dưới hình thức kinh doanh hóa đơn, như chợ Hòa Bình, khu vực ga Hà Nội, chợ Phùng Hưng…

Đối tượng mà lực lượng CSKT tập trung đấu tranh, ngoài các công ty “ma”, sẽ có cả các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, đặc biệt các trường hợp chây ỳ, nợ đọng thuế kéo dài, số lượng lớn. “Những cán bộ có biểu hiện thoái hóa, biến chất trong các cơ quan quản lý Nhà nước được giao nhiệm vụ quản lý thuế, nhưng lợi dụng nhiệm vụ quyền hạn để bao che, thông đồng, tiếp tay cho doanh nghiệp hoặc trực tiếp tham gia các hoạt động trốn thuế cũng sẽ là đối tượng CQĐT tập trung rà soát, đấu tranh”, chỉ huy Phòng CSKT khẳng định.

Phòng ngừa, đấu tranh, xử lý vi phạm về thuế không thể thiếu một đòi hỏi tất yếu, là sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. CQĐT chỉ là một lực lượng, một khâu quan trọng. Một trường hợp vi phạm về thuế, dù bị xử phạt hành chính hay bị khởi tố điều tra, nhất thiết phải có sự tham gia giải quyết của Cơ quan Thuế, hoặc Hải quan, hoặc Quản lý thị trường.

Ở Hà Nội nói riêng, trong hàng trăm vụ vi phạm về thuế với số tiền nợ đọng, gian lận mỗi tháng lên đến hàng tỷ đồng, không nhiều vụ việc mà Cơ quan Thuế, Hải quan có đề xuất CQĐT các cấp vào cuộc để điều tra, xử lý. Nói như một cán bộ thuế thì công tác xử lý đối với những hành vi gian lận, sai phạm về thuế hiện nay chỉ “nhắm” đến mục tiêu duy nhất là truy thu được tiền thuế.

Có nghĩa, cá nhân, tập thể có sai phạm, nhưng nếu bị phát hiện, chỉ cần hoàn đủ thuế là xong! Cách xử lý kiểu này là nguyên nhân khiến rất ít số vụ vi phạm về thuế bị đưa ra truy tố, và nguy hại hơn, nó đã và đang khiến đối tượng vi phạm về thuế “nhờn” luật.