Tất cả các biển số cần phải xem là tài sản công

ANTD.VN - Có nên coi tất cả biển số xe đều là tài sản công? Nếu coi biển số xe đẹp là tài sản công thì người dân có quyền bán không? Người nhận tài sản biếu, tặng không đúng cần xử lý thế nào?... Nhiều câu hỏi và phản biện đã được các ĐBQH đưa ra trong phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi), sáng 29-5.

ĐB Bùi Văn Phương tại phiên thảo luận

“Lạm dụng xe công có bị xử lý?”

ĐB Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh) đề nghị cân nhắc luật hóa cho phép tất cả các đơn vị sự nghiệp công lập được khai thác tài sản công chưa sử dụng hết công năng vào mục đích sản xuất kinh doanh dịch vụ, cho thuê liên doanh liên kết. Bổ sung ý kiến này, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng việc cho thuê và liên doanh liên kết phải đảm bảo không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, không làm lộ bí mật Nhà nước, thông tin của các tổ chức, cá nhân.

Về các hành vi cấm, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng quy định tại dự thảo còn cứng nhắc và khó xử lý trong thực tế - “Ví dụ đi công tác ghé về thăm quê, đi làm hàng ngày cuối giờ ghé đi thăm người thân ở bệnh viện chẳng hạn, chiếu theo luật thì đó là vi phạm, lạm dụng xe công. Song về bản chất thì những hành vi đó có đến mức phải xử lý hay không?”, ĐB Nguyễn Sỹ Cương băn khoăn. 

Đề cập tới quy định luật xử lý hành vi sử dụng ô tô, tài sản do biếu, tặng, ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) đề nghị không chỉ xử lý hành vi sử dụng mà cần phải xử lý cả hành vi nhận - “Trên thực tế, hành vi nhận mới là hành vi tiền đề của sử dụng”.

Bán biển số xe đẹp có thể thu 10.000 tỷ đồng/năm

Một trong những nội dung được tranh luận nhiều nhất là việc có nên đưa biển số đẹp vào danh sách tài sản công và quy định trong Luật này. ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề nghị không chỉ biển số đẹp mà tất cả các biển số đều cần phải xem là tài sản công. Việc giải thích đẹp hay không đẹp sẽ để sau này dựa vào nhu cầu của xã hội mà các văn bản dưới luật sẽ quy định.

ĐB này đưa ra thống kê đáng chú ý: “Tôi đã liệt kê cụ thể trong một seri 99.999 số thì có 12.186 số đẹp, dự đoán có 61.500 chủ phương tiện sẽ yêu cầu số theo ngày sinh, ngày cưới, số đặc biệt theo cá nhân họ. Nếu tổng kết một seri chúng ta có thể thu được 1.639 tỷ đồng. Với số lượng ô tô bán trong năm 2016 là hơn 300.000 chiếc nếu chúng ta thực hiện chủ trương này trong năm 2016 đã có thể thu được 5.000 tỷ đồng và nếu triển khai với xe hai bánh cũng thu được số tiền tương tự”.

ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) băn khoăn con số 10.000 tỷ đồng một năm thu từ tiền bán biển số đẹp mà ĐB Nguyễn Văn Cảnh nêu, vì cho rằng những người cần biển số đẹp và sẵn sàng bỏ số tiền lớn ra mua nó là không nhiều.

Đồng thời, ĐB Bùi Văn Phương đặt vấn đề: “Biển số đẹp là tài sản công, nếu sau khi mua người dân muốn bán có được không? Tôi hiểu số tiền đấu giá biển số xe là tiền dân bỏ ra mua. Nhà nước đấu giá và tôi bỏ tiền ra mua, trở thành tài sản của tôi và nếu không dùng nữa, tôi bán đi thì lúc đó là bán tài sản cá nhân. Vậy chúng ta xử lý như thế nào trong trường hợp này để không mâu thuẫn với Hiến pháp và Luật Đấu giá tài sản?”.

Phản biện lại ý kiến này, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng biển số gắn với xe nên khi bán, chủ sở hữu phải bán gắn liền, chứ không thể bán xe riêng, biển số riêng được…